Có cô giáo hơn 50 tuổi đã khóc vì không thể sử dụng thành thạo công nghệ, lại bệnh tim nên từng nghĩ về hưu sớm nếu học trực tuyến kéo dài.
Có cô là F0 vừa chăm con nhỏ vừa nén cơn ho để hoàn tất bài giảng.
Gần hai năm qua, để có thể giữ nhịp ổn định cho hoạt động dạy - học trong tình hình mới, có những áp lực vô hình nhưng không hề nhỏ với giáo viên (GV).
Suốt cả năm qua, GV luôn phải trắng đêm thiết kế giáo án để phục vụ giảng dạy trực tuyến vì không thể bê nguyên xi giáo án của lớp học trực tiếp sang. Những đồng nghiệp của tôi luôn phải trăn trở, tìm mọi cách để có bài giảng sinh động, hấp dẫn nhất với học sinh (HS) qua những tiết học trực tuyến.
Khi các địa phương mở cửa lại trường học, số ca nhiễm của HS và cả GV trong trường mỗi lúc một tăng. Việc vừa dạy trực tuyến vừa trực tiếp quay cuồng và khá rối rắm khiến GV gần như phải vận dụng 200% công lực. GV vừa phải có nghệ thuật quản lý cảm xúc và quản lý lớp học, vừa phải dành thời gian trả lời riêng cho HS yếu kém để nhắc nhở, phải lập danh sách F0, F1 báo cáo hằng ngày, phải trả lời kịp thời từng tin nhắn thắc mắc trong group phụ huynh… Dù mỏi mắt vẫn phải mở máy sửa bài chấm bài cho HS, dù đang sốt bừng bừng vẫn phải phụ đạo cho những HS hổng kiến thức, dù rất khó thở vẫn ráng mò mẫm cách sử dụng các ứng dụng phục vụ việc giảng dạy, dù đang là F0 vẫn phải tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới...
Bối cảnh dạy học mới vắt kiệt sức lực người thầy nhưng hầu hết GV đều cố gắng hết sức, không kêu ca, không than vãn, một phần vì trách nhiệm, một phần vì thương HS.
Chúng tôi đã từng rất tự hào khi thấy các đồng nghiệp trẻ “chia lửa” với tuyến đầu chống dịch. Nhưng chúng tôi đã rơi lệ khi đồng nghiệp có bệnh lý nền không thể tự thở được nếu không có bình ô xy. Chúng tôi thậm chí đã lặng đi, không thể tiếp tục bài giảng khi học trò xin phép “out” khỏi lớp học sớm 15 phút để cúng cơm cho ba mất vì Covid-19. Chúng tôi nhói tim khi phụ huynh báo tin “Cô đừng điểm danh con tôi nữa, vì bé mất rồi!”.
Nhưng chúng tôi tổn thương khi biết có đồng nghiệp ở Hà Nội bị mắc Covid-19 phải nghỉ dạy thì bị nhà trường trừ điểm thi đua. Dịch bệnh là bất khả kháng, không ai muốn mình trở thành F0 hay F1. Cách xử lý thiếu chữ tình trong lúc này, quả thực không chỉ khiến bản thân người bị xử lý buồn mà nhiều GV chúng tôi thấy tổn thương. Quy chế thi đua này không phù hợp, quá máy móc và cứng nhắc, phi nhân đạo, không động viên được GV. Mục đích cuối cùng của việc thi đua là sự động viên, khích lệ kịp thời với người lao động chứ không phải thi đua để tạo ra áp lực, gây ảnh hưởng đến sự cố gắng của các thầy cô. Khi tiếp cận với những thông tin tiêu cực như vậy của ngành giáo dục, không ít GV vốn đã “thiếu lửa nghề”, nay càng có lý do để buồn hơn.
Đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ còn kéo dài và để có thể “dừng đến trường, nhưng không dừng học”, các thầy cô vẫn phải miệt mài với công việc. Điều GV chúng tôi cần là sự lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ và khích lệ từ lãnh đạo, phụ huynh, xã hội hơn là một tấm bằng khen hay một danh hiệu thi đua.
Theo Đỗ Đức Anh (Giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM/TNO)