Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Sự nghiệt ngã của nhạc Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sự thống trị của nghệ sĩ gen Z ở top âm nhạc thịnh hành và các giải thưởng cho thấy nhạc Việt đã thật sự có cuộc chuyển giao thế hệ kể từ năm 2024.

10 năm trước, thị trường nhạc Việt cũng bước vào cuộc chuyển giao, với sự vươn lên bất ngờ của Sơn Tùng M-TP và nhiều nghệ sĩ trẻ trưởng thành từ các game show âm nhạc. Nay, một thế hệ nghệ sĩ mới, vươn lên, dẫn dắt thị trường ở khía cạnh tạo ra các xu hướng âm nhạc. Wren Evans, MCK, Mono, Grey D, Tlinh, Hieuthuhai, Obito, Low G là những đại diện tiêu biểu cho nhóm nghệ sĩ gen Z đang có sức hút.

Sau hơn 30 năm phát triển của thị trường nhạc Việt, từ thế hệ của Đan Trường, Lam Trường, cho đến hiện tại, có thể thấy sự tách biệt qua mỗi giai đoạn rất rõ ràng. Hơn 20 năm trước, phần lớn ca khúc trên thị trường là nhạc Hoa lời Việt. Từ 2010 trở đi, thị trường phát triển, dần có những sản phẩm mang dấu ấn riêng của ca sĩ, nhạc sĩ và music producer (nhà sản xuất âm nhạc). Sơn Tùng nằm trong nhóm ít nghệ sĩ có thể tự sáng tác và tham gia sản xuất âm nhạc, do đó nhanh chóng định hình chỗ đứng không lẫn vào ai.

Hiện tại, với lứa nghệ sĩ gen Z trỗi dậy, tiêu chuẩn của thị trường nhạc Việt nâng lên cấp độ mới. Những nghệ sĩ gen Z nổi nhất hiện tại đều tự sáng tác, đa số có khả năng hòa âm phối khí và một số ít thậm chí làm cả công đoạn mixing và mastering (chỉnh giọng hát, âm lượng để có đầu ra sản phẩm tốt nhất). Từ bước ngoặt này, hơn một năm qua, số lượng sản phẩm âm nhạc tăng đột biến, đặc biệt là EP và album.

Tạo ra một album từng là bài toán rất khó với nghệ sĩ Việt. Lý do bởi nhiều năm qua, cách vận hành của thị trường vẫn chuộng single (đĩa đơn) đính kèm Music Video (MV) hơn. Song, lứa nghệ sĩ của thế hệ trước ngại làm album, đa phần đến từ lý do mất quá nhiều thời gian để sản xuất. Với những nghệ sĩ không tự sáng tác được, để hoàn thiện ít nhất 8 ca khúc cho một album là bài toán rất khó, chưa kể công đoạn sản xuất nhạc.

Giờ đây, Tlinh, MCK, Wren Evans, Mono, Hieuthuhai, với khả năng sáng tác và kiểm soát tốt các giai đoạn sản xuất nhạc, đồng loạt tung album và tất cả đều có chất lượng tốt, thể hiện rõ cá tính. Đó là khác biệt, thể hiện nội lực âm nhạc rất tốt của lứa nghệ sĩ trẻ.

Những Tlinh, MCK, Wren Evans, Mono hay Hieuthuhai hoạt động âm nhạc trong giai đoạn chuyển giao đặc biệt của thị trường nhạc Việt. Họ có sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội, đặc biệt TikTok, cho các chiến dịch quảng bá. Họ nhận những lực đẩy từ những người phía sau, trong đó, đóng vai trò quan trọng nhất là các đơn vị phân phối nhạc cho các nền tảng nhạc số và cả YouTube.

Thị trường nhạc Việt đã qua giai đoạn mà các nghệ sĩ phải làm MV đắt tiền, phân phối trên YouTube. Nghệ sĩ giờ có thể làm MV, hoặc không, vì các kênh phân phối nhạc dần đa dạng hơn. Khán giả ngày càng tập trung vào các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, thậm chí bỏ tiền để tận hưởng âm nhạc. Do đó, các nghệ sĩ gen Z giờ có thể chỉ cần sản phẩm phiên bản audio để ghi dấu ấn. Họ tiết kiệm chi phí sản xuất và thời gian, được làm sản phẩm âm nhạc theo đúng bản chất phải có.

Nhiều nghệ sĩ trẻ nổi lên nhưng cần làm nhiều điều để duy trì tên tuổi.

Nhiều nghệ sĩ trẻ nổi lên nhưng cần làm nhiều điều để duy trì tên tuổi.

Sự năng động của các nghệ sĩ gen Z tạo nên đường đua “đỏ lửa” ở nhạc Việt. Bốn tháng qua, top âm nhạc thịnh hành trên YouTube thay đổi liên tục, trong giai đoạn nghệ sĩ Việt đua nhau ra bài. Những sản phẩm được kỳ vọng độc chiếm top thịnh hành lâu như Hit Me Up (Binz), Những lời hứa bỏ quên (Vũ), Buồn hay vui (Vsoul, MCK, Obito, Ronboogz) cũng không trụ vị trí dẫn đầu quá lâu.

Sau vài tuần, nhạc Việt lại xuất hiện một sản phẩm gây sốt ở top âm nhạc thịnh hành. Nhạc rap nương theo hiệu ứng Rap Việt mùa 3, bao phủ hoàn toàn nhạc Việt giai đoạn cuối năm 2024. Các nhân tố trưởng thành từ Rap Việt mùa 3 là Quang Anh, Double2T và loạt rapper khác như Wrxdie, Andree Right Hand, Obito vươn tầm thành những hiện tượng. Sự pha trộn của thế hệ nghệ sĩ có thâm niên - Sơn Tùng, Đen Vâu, Hoàng Thùy Linh, Binz, Karik - cùng các gương mặt mới nổi, tạo nên đường đua đang nghẹt thở.

Một cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cũng đồng thời dẫn tới sự đào thải nghiệt ngã. Trong guồng quay chóng mặt của nhạc Việt 3 tháng qua, một loạt nghệ sĩ, sản phẩm bị bỏ lại - điển hình như Soobin Hoàng Sơn, GDucky - đều có sự đầu tư mạnh khi tung sản phẩm mới nhưng thành công thu về không đáng kể.

Những thất bại của nghệ sĩ trong năm 2023, phần lớn đến từ yếu tố sản phẩm không phù hợp thị hiếu. Mặt khác, sự chi phối về kế hoạch phát hành, tính toán thuật toán của nền tảng phân phối nhạc, cùng các nước đi truyền thông khiến nghệ sĩ thất bại, mà đặt ở hoàn cảnh khác họ có thể thành công.

Một nghệ sĩ chia sẻ với Tiền Phong: “Dường như thị trường ngày càng chạy theo xu hướng, với nhịp độ quá nhanh, nên khán giả sẽ không kiểm chứng sản phẩm một cách thấu đáo. Với tôi, những sản phẩm gây sốt trên thị trường, câu chuyện không phải là hay hoặc dở, hiện không ai định nghĩa được nó hay, dở thế nào. Thay vào đó, một sản phẩm bắt được thị hiếu, được chi tiền quảng bá sẽ có khả năng thành công lớn hơn”.

Năm 2023, nhạc Việt có rất nhiều sản phẩm được cho là “hit” nhưng lại thiếu một siêu hit, có tiềm năng được nghe lại nhiều năm như Hãy trao cho anh, Sóng gió. Nói cách khác, tuổi thọ của các sản phẩm nhạc Việt đang có dấu hiệu đi xuống.

Năm 2022, Vì mẹ anh bắt chia tay của Miu Lê là sản phẩm thành công bậc nhất, giữ top âm nhạc thịnh hành vài tháng. Song, chỉ trong thời gian ngắn, Vì mẹ anh bắt chia tay chìm vào quên lãng và Miu Lê hoàn toàn bị lu mờ trong đường đua nhạc Việt năm 2024.

Thị mầu của Hòa Minzy từng gây chú ý giai đoạn đầu năm 2023. Dần dần, bản hit của Hòa Minzy chững view, hoàn toàn bị đè bẹp ở các nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Thị mầu là sản phẩm nổi lên nhờ TikTok và khi hết hiệu ứng đã quay về đúng bản chất. Gần đây, Hit Me Up của Binz cũng gây sốt nhờ nhiều yếu tố. Chỉ sau 2 tháng, Hit Me Up tăng view chậm trên YouTube.

Năm 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn của nghệ sĩ Việt. Cách vận hành của thị trường, từ các bước tung sản phẩm, đến truyền thông đã khác xưa. Dàn nghệ sĩ đang có cuộc chuyển giao thế hệ, gen Z trỗi dậy, dẫn đến xu hướng âm nhạc thay đổi. Thị hiếu của khán giả ở phân khúc thị trường - chủ yếu từ 18 đến 25 tuổi - giờ cũng khác biệt. Những cú ngã của một loạt nghệ sĩ lớn trong năm 2023 đã chứng minh điều đó. Và sẽ còn nhiều nghệ sĩ, sản phẩm “ngã ngựa” trong cuộc chơi khốc liệt, có sự thanh lọc mạnh mẽ.

Có thể bạn quan tâm