Kinh tế

Nông nghiệp

Sự thật về giống lúa Thiên Đàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giống lúa Thiên Đàng được quảng cáo không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, cho năng suất khá và được ký hợp đồng thu mua với giá cao. Tuy nhiên, các ngành chức năng lại khuyến cáo ngừng sản xuất giống lúa này.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, giống lúa Thiên Đàng xuất xứ từ Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng (gọi tắt là Công ty Giống lúa Thiên Đàng) có trụ sở chính ở ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Doanh nghiệp (DN) này mang giống lúa Thiên Đàng về tự nhân giống và cung cấp cho nông dân với giá bán ban đầu là 2 triệu đồng/kg, hiện nay chỉ còn 50.000 đồng/kg.
Quảng cáo rầm rộ
Công ty Giống lúa Thiên Đàng là đơn vị cung cấp giống và thực hiện bao tiêu sản phẩm, thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hợp đồng này không có xác nhận của cơ quan chuyên môn hay chính quyền địa phương. Công ty Giống lúa Thiên Đàng mua lại lúa tươi của nông dân với giá 7.000-10.000 đồng/kg. Trên nhiều trang mạng xã hội cũng xuất hiện những thông tin (chủ yếu là video) quảng bá rằng trồng giống lúa này không cần sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà chất lượng gạo ngon, thơm mùi sữa. Thậm chí đến ốc bươu vàng, giống lúa này cũng tự khắc kháng được, không cần phun thuốc diệt ốc như kiểu canh tác truyền thống.
 
Nhiều nông dân ở Đồng Tháp không bán được lúa Thiên Đàng như doanh nghiệp hứa hẹn. Ảnh: TÂM MINH
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), xác nhận vừa qua có gieo sạ giống lúa Thiên Đàng của Công ty Giống lúa Thiên Đàng ở Hậu Giang cung cấp giống. Nhưng sau đó, HTX ngưng gieo trồng do DN yêu cầu bón phân hóa học trong khi HTX làm hữu cơ.
Vụ hè thu này, HTX chuyển sang gieo sạ lại giống lúa Thiên Đàng nhưng mua giống của một công ty ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. "Giống lúa này đã được công ty ở huyện Tam Bình xin ngoài bộ và được cấp giống lúa xác nhận với tên MS 2019 nên HTX mua giống từ đây gieo sạ trong vụ hè thu. Công ty đã hợp đồng bao tiêu toàn bộ 7 ha lúa MS 2019 với giá 7.000 đồng/kg" - ông Sơn nói.
Tại tỉnh Đồng Tháp, trong vụ đông xuân 2019-2020, trên địa bàn huyện Tân Hồng, huyện Châu Thành, thị xã Hồng Ngự..., tổng diện tích gieo trồng giống lúa Thiên Đàng là hơn 60 ha. Đến vụ hè thu 2020, diện tích trồng chỉ còn khoảng 16 ha tại huyện Châu Thành.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tân Hồng, giống lúa Thiên Đàng được quảng bá rầm rộ trên các trang mạng nhưng khi DN đến địa phương giới thiệu cho nông dân, ngành chức năng không hề nắm thông tin. Đến khi nông dân mua giống về canh tác thử rồi tăng diện tích ồ ạt, ngành chức năng mới biết và tìm đến để hiểu rõ ngọn ngành sự việc.
Là một trong những hộ dân trồng lúa Thiên Đàng, ông Nguyễn Công Sinh (ngụ xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) cho hay tới vụ thu hoạch, ông không đủ tiền chi tiền công. Khi thu hoạch xong, ông phải tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Còn ông Lê Minh Luôn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hộ Cơ, xác nhận trong vụ đông xuân 2019-2020, nông dân trên địa bàn xã đã canh tác giống lúa Thiên Đàng với DN thu mua. Đến khi thu hoạch, DN không thu mua, nông dân phải tự tìm kiếm đầu ra và bán giá 5.000 đồng/kg.
Chưa được phép gieo trồng tại Việt Nam
Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, cho biết đơn vị đã đề nghị Sở NN-PTNT chỉ đạo các địa phương trong tỉnh khuyến cáo nông dân không tiếp tục gieo trồng giống lúa Thiên Đàng nhằm tránh thiệt hại trong sản xuất. Đề nghị các địa phương rà soát, thống kê tình hình sản xuất giống lúa này, sau đó gửi về ngành nông nghiệp tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, đề xuất các địa phương chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất - kinh doanh giống lúa không rõ nguồn gốc, xuất xứ để có biện pháp xử lý...
Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, thông tin từ các nông dân ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn cho thấy canh tác lúa giống Thiên Đàng bị nhiễm bệnh đạo ôn và một số dịch hại khác, không giống như quảng cáo của Công ty Giống lúa Thiên Đàng. Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị các huyện và ban - ngành liên quan ngăn chặn việc mở rộng diện tích trồng lúa giống Thiên Đàng, phòng ngừa thiệt hại cho nông dân. Thanh tra sở đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Giống lúa Thiên Đàng về hành vi sản xuất nhằm mục đích thương mại giống lúa, cây trồng không có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.
Sở NN-PTNT tỉnh An Giang đã gửi văn bản đến Sở NN-PTNT thuộc 11 tỉnh, thành ĐBSCL về nội dung trên để các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống lúa Thiên Đàng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người dân sử dụng giống lúa trong sản xuất trên địa bàn. 
Bình Định cảnh báo nông dân
Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cũng gửi văn bản đến các địa phương trong tỉnh để cảnh báo việc một số cá nhân tự xưng là Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã đến huyện Tây Sơn quảng bá giống lúa "Thiên Đàng MS 2019" với nội dung không đúng sự thật, một số hộ nông dân nghe theo và đã trồng lúa này.

Các cá nhân này cũng liên hệ với một số HTX nông nghiệp huyện như Tây Sơn, Tuy Phước đặt vấn đề sản xuất mùa vụ tới, hứa hẹn bao tiêu sản phẩm. Sở này khẳng định giống lúa có nguồn gốc không rõ ràng, chưa có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam và chưa có quyết định công nhận lưu hành. Vì vậy, việc sản xuất giống lúa này bị cấm. Sở đề nghị các địa phương tuyên truyền cho người dân được rõ việc sử dụng và gieo trồng giống lúa này là vi phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý việc sản xuất - kinh doanh, gieo trồng giống lúa này.

TÂM MINH-THỐT NỐT-CA LINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm