Thời sự - Bình luận

Sửa luật để giải quyết kịp thời vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mặc dù đã được Quốc hội bàn thảo, cho ý kiến tại các phiên họp tổ và tại hội trường, dự thảo luật sửa đổi 7 luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia, tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 39 diễn ra hôm nay 19-11, trước khi được hoàn thiện lần cuối, trình Quốc hội “bấm nút”.

Đây là sự thận trọng cần thiết đối với 1 dự án luật được quyết đáp nhanh, gọn ngay trong một kỳ họp nhưng lại xử lý hàng loạt vấn đề cấp bách trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và thi hành pháp luật.

Bản tổng hợp ý kiến đại biểu cho thấy hầu như không có ý kiến nào phân vân về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung 7 lĩnh vực kể trên. Tuy nhiên, các ý kiến đều lưu ý về mức độ, phạm vi sửa đổi để tránh mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong chính luật này cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Đơn cử, một bất hợp lý được chỉ ra là, theo bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ được phân quyền cho các cơ quan cấp dưới cũng như chính quyền địa phương trong nhiều nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, nội dung này không được thể hiện rõ ràng ở các điều khác trong luật này, có thể tạo ra sự chồng lấn, thiếu rõ ràng, khó thực hiện. Quy định về khấu hao, hao mòn tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập cũng có thể khiến cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ gặp khó khăn.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ (về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập) đã nêu rõ, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Việc trích khấu hao tài sản cố định theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền quy định.

Tuy nhiên, hiện các đơn vị y tế công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thì giá cung cấp dịch vụ không có yếu tố khấu hao tài sản và cũng không có quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp nên chưa được tính đầy đủ như giá dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập…

Một mặt khẳng định việc sửa đổi, bổ sung 7 đạo luật lần này sẽ giải quyết đúng, trúng và kịp thời nhiều vướng mắc trong thực tiễn, mặt khác, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ sẽ đề xuất sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương. Tương tự, Luật Quản lý thuế cũng cần được sửa đổi căn cơ trong thời gian tới, bổ sung thêm, quy định cụ thể các trường hợp miễn, giảm thuế, phạt chậm nộp do các nguyên nhân khách quan…

Mặc dù với quy trình hiện tại, nếu chờ sửa lần lượt 7 luật chắc chắn cần rất nhiều công sức và thời gian - trong khi những bức xúc hiện hữu đã và đang gây tắc nghẽn nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, toàn bộ nền kinh tế nói chung - nên việc “dùng 1 luật sửa nhiều luật” là giải pháp thích hợp nhất, song cách làm này không tránh khỏi tạo ra sự phức tạp nhất định trong quá trình áp dụng pháp luật. Giải pháp lập pháp này chỉ nên sử dụng trong những trường hợp thật cần thiết. Bên cạnh việc lựa chọn những vấn đề đang gây tắc nghẽn nhất ở các luật có liên quan để “khơi thông” thì vẫn cần chuẩn bị kỹ càng để sửa đổi căn cơ những đạo luật này khi điều kiện chín muồi.

Theo ANH THƯ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm