(GLO)- Là xã nghèo nhất huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), những năm gần đây, Ayun được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi và các mô hình phát triển kinh tế để từng bước giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo.
Những “món quà đặc biệt”
Cuối năm 2019, công trình thủy lợi Plei Keo hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn xiết của người dân xã Ayun. Đây cũng là món quà ý nghĩa do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành tặng người dân xã anh hùng với mong muốn tạo “cú hích” giúp Ayun sớm thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn.
Khi bài toán thủy lợi được giải quyết, tình trạng “ruộng khô đồng khát” dẫn đến nhiều diện tích bị bỏ hoang dần được khắc phục. Dòng nước mát từ công trình thủy lợi này đã biến vùng đất khô cằn ngày nào thành những cánh đồng lúa. Trước đây, mỗi năm, diện tích gieo trồng của xã Ayun chỉ chừng 35-40 ha. Nhưng nay thì đã khác, vụ Đông Xuân 2020-2021, con số này đã nâng lên 107 ha lúa, dự kiến sẽ mở rộng thêm 290 ha nữa trong thời gian tới.
Công trình thủy lợi Plei Keo tưới mát cánh đồng lúa nước tại xã Ayun (huyện Chư Sê). Ảnh: Minh Nguyễn |
Đầu năm 2020, được xã hỗ trợ giống, anh Krơn (làng Keo) chuyển từ lúa cạn sang trồng lúa nước trên diện tích gần 1 ha. Vụ này anh trúng lớn, lúa chất đầy kho. “Giờ đây, cánh đồng ở khu vực này không lo thiếu nước, vụ này dân trong làng ai cũng xuống giống. Với những khoảnh ruộng nước không tới được, có người hạ thấp mặt ruộng hoặc tìm cách dẫn nước vào trồng lúa, có người chuyển sang trồng bắp, mì”-anh Krơn cho hay.
Ông Nguyễn Đức Cường-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun-cho biết: Từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, nay người dân xã Ayun đã biết trồng lúa nước 2 vụ. “Qua khảo sát, đối với 160 ha có thể dẫn nước đến chân ruộng thì khuyến khích phát triển lúa nước 2 vụ. Đối với 130 ha nằm ngoài khu vực tưới thì trước mắt xin chủ trương, kinh phí san ủi, hạ thấp chân ruộng khoảng 30 ha (ở 3 làng Keo, A Chông, Vơng Chép) để sản xuất lúa nước, phần diện tích còn lại vận động người dân chuyển đổi sang trồng mì, bắp, rau màu, đậu đỗ và cây ăn quả”-ông Cường thông tin.
Quan tâm chăm lo cuộc sống hộ nghèo
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ayun, từ năm 2017 đến nay, xã triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xã được hỗ trợ 13 tỷ đồng thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất như: hỗ trợ máy nông nghiệp phục vụ sản xuất; thuyền, lưới đánh bắt cá; giống lúa, cây ăn quả, phân bón; hỗ trợ 235 con bò sinh sản.
Bên cạnh đó, Dự án nông thôn miền núi của Sở Khoa học và Công nghệ cũng hỗ trợ 6,4 tỷ đồng cho 31 hộ dân các làng: A Chông, Vơng Chép, Tung Ke trồng bắp lai với diện tích 12,5 ha; cấp bò giống cho 55 hộ dân thực hiện mô hình trồng cỏ, nuôi bò. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo từ trên 75% (cuối năm 2016) giảm còn 13,8% (cuối năm 2020); thu nhập bình quân đầu người từ 10,5 triệu đồng tăng lên 30,6 triệu đồng/năm.
Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền chú trọng, đặc biệt là việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Điển hình là hộ ông Rmah Ó (làng A Chông). Vụ mùa năm 2020, tận dụng diện tích đất còn trống, ông trồng bắp lai xen trong rẫy mì, chuối. Được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn cày đất, gieo hạt nên chỉ sau 3 tháng chăm sóc, ông thu hoạch được 7 tấn bắp lai, thu về 27 triệu đồng. “Tôi thấy trồng bắp hiệu quả cao hơn so với cây mì và đậu đỗ. Trồng bắp cũng không quá khó, chỉ cần bỏ công chăm sóc sẽ cho năng suất cao”-ông Ó phấn khởi nói.
Được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học, trạm y tế…, bộ mặt nông thôn xã Ayun dần thay đổi, đời sống người dân ngày càng phát triển. Ảnh: Minh Nguyễn |
Chứng kiến sự đổi thay của quê hương mình, bà Đinh Nay Huỳnh-nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã-không giấu được niềm vui: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn xã Ayun dần thay đổi, đời sống người dân ngày càng phát triển, con em được đến lớp. Đặc biệt là lớp cán bộ trẻ hiện nay rất năng nổ, nhiệt tình và sâu sát cơ sở, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó có kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, xây dựng Ayun ngày càng phát triển”.
Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê:“Khi chủ động được nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi Plei Keo, chúng tôi sẽ có kế hoạch hỗ trợ xã Ayun mở rộng thêm diện tích đồng ruộng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hỗ trợ phân bón, giống lúa mới có năng suất cao, hướng dẫn sản xuất lúa nước 2 vụ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp bà con vươn lên thoát nghèo”. |
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Cường cũng thông tin: Đến nay, xã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2025. Tuy nhiên, trong số các tiêu chí còn lại có nhiều tiêu chí khó gồm: thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư, môi trường. Vì vậy, thời gian tới, xã phải huy động tổng hợp các nguồn lực để tập trung hoàn thành; chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện.
“Tới đây, chúng tôi tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó, chú trọng đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển cây trồng ngắn ngày, chuyển đổi cây trồng phù hợp với địa phương. Đồng thời, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, thực hiện việc di dời, sắp xếp lại nhà ở dân cư; nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường vận động học sinh tiếp tục học THPT hoặc học nghề sau khi hoàn thành chương trình THCS. Khi kinh tế phát triển sẽ kéo theo tiêu chí hộ nghèo giảm, thu nhập tăng lên, người dân có kinh phí sửa sang nhà cửa thì giúp hoàn thành tiêu chí nhà ở, môi trường. Với truyền thống của một xã anh hùng, chúng tôi quyết tâm từng bước hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới”-ông Cường kỳ vọng.
MINH NGUYỄN