Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Sức bật Ia Phìn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng bộ, sự năng động trong điều hành của chính quyền địa phương và nỗ lực từ nhân dân, xã Ia Phìn (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã tạo ra sức bật mới với nhiều thành tựu đáng tự hào. Đặc biệt, năm 2018,  xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để minh chứng cho sự đổi thay ở Ia Phìn, ông Đỗ Văn Dũng-Phó Bí thư Đảng ủy xã-cho biết: Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn đến 19,3%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 16 triệu đồng, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng. Xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018.
 Một góc xã Ia Phìn. Ảnh: T.T
Một góc xã Ia Phìn. Ảnh: T.T
Để có bước đột phá ấy là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực khắc phục khó khăn của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây. Đặc biệt phải kể đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ xã trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển. Trước đây, Ia Phìn là một xã nghèo, đường giao thông còn nhiều khó khăn, hệ thống chính trị ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năm 2013, Đảng bộ xã còn 3 chi bộ ghép từ 2 đến 3 thôn, làng; tổng số đảng viên là hơn 100 người. Trước thực trạng đó, Đảng bộ xã đã xác định, muốn phát triển kinh tế phải tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tập hợp và đoàn kết nhân dân cùng thực hiện các chủ trương của địa phương. Nhiều chủ trương, biện pháp đã được Đảng ủy và UBND xã đưa ra, trong đó, công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị được tiến hành song song với các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, đến nay, Đảng bộ xã Ia Phìn đã có 164 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ gồm: 8 chi bộ thôn, làng, 3 chi bộ trường học và 1 chi bộ quân sự. Đảng bộ xã hiện có 9/12 chi bộ có cấp ủy; 6/8 Trưởng thôn là đảng viên, 3 Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn... Đặc biệt, 100% cán bộ của xã đều đạt chuẩn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng trong tham mưu, giúp việc cho chính quyền và các tổ chức Đảng xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của xã.
Khi hệ thống chính trị được củng cố, Đảng bộ xã đã tập trung các giải pháp để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đó là vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn trồng các cây công nghiệp dài ngày. Nhờ đó, đến nay, trong tổng số 4.200 ha cây trồng các loại của xã đã có 2.200 ha cà phê, hơn 75 ha lúa nước. Nói về chủ trương phát triển kinh tế, ông Triệu Ngọc Trường-Bí thư Đảng ủy xã-cho biết: “Những năm gần đây, trước việc giá các mặt hàng nông sản giảm ảnh hưởng đến đời sống người dân, chúng tôi đã đưa ra nghị quyết về trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê. Xã cũng đã cử cán bộ qua tỉnh Đak Lak tham quan các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là mô hình trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê, sau đó về hướng dẫn kinh nghiệm cho bà con. Từ chủ trương này, đến nay, trên địa bàn xã đã có gần 500 ha cà phê trồng xen sầu riêng. Theo tính toán của chúng tôi, khoảng 2 năm sau, mỗi héc ta cà phê trồng xen sầu riêng sẽ cho thu nhập 200 triệu đồng ngoài tiền cà phê”.
Nhờ chuyển đổi cây trồng, đời sống của người dân trong xã đã có nhiều thay đổi. Hệ thống giao thông được xây dựng đồng bộ, 100% tuyến đường ở các thôn, làng đều được bê tông hóa. Cùng với đó, trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp và hơn 120 hộ kinh doanh cá thể, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Chính quyền địa phương từ đó đã huy động được sức dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến nay, xã đầu tư trên 36 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, riêng người dân đóng góp 10 tỷ đồng. Cùng với đó, các hộ dân đã đóng góp gần 6 tỷ đồng để lắp đặt 9 trạm biến áp, kéo hơn 3 km đường dây điện thắp sáng các đường làng và trục đường chính.
THIÊN THANH

Có thể bạn quan tâm