Kinh tế

Nông nghiệp

Sức bật từ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Huyện Đak Đoa có 9.762 ha cây trồng ngắn ngày và hơn 36.440 ha cây công nghiệp dài ngày. Để khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp, năm 2022, huyện đã xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, huyện tập trung rà soát, đánh giá thực trạng nông nghiệp, định hình các giải pháp phát triển nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh; tiếp cận thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu theo chuỗi giá trị; đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương... Đặc biệt, huyện lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong điều kiện biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất tập trung cà phê, hồ tiêu, chuối, lúa nước…

Theo đó, trên cây lúa nước, huyện tập trung chuyển đổi những giống lúa cũ, năng suất thấp sang trồng các giống mới chất lượng cao như: TH3-3, ĐT100, HN6, N25, J02, OM5451… Năng suất các giống lúa này bình quân đạt 5-7 tấn/ha. Đặc biệt, huyện đã xây dựng mô hình cánh đồng lúa nước một giống chất lượng cao và mô hình xã hội hóa khuyến nông, giúp người dân tiếp cận những giống lúa mới như: TBR39, TBR97, Hương Bình… để đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trình diễn giống lúa nước chất lượng cao tại xã Glar năm 2023. Ảnh: N.H

Mô hình trình diễn giống lúa nước chất lượng cao tại xã Glar năm 2023. Ảnh: N.H

Còn trên cây cà phê, huyện định hướng nông dân liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP…; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao để tái canh những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp.

Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar) cho biết: Từ năm 2020 đến nay, HTX tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Glar sản xuất cà phê sạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, gần 300 ha cà phê của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Riêng HTX mỗi năm thu mua, sơ chế và chế biến được hơn 15 tấn cà phê chất lượng cao để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Đak Đoa đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện có 26 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 11 HTX so với năm 2021; có 37 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao; 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022. Huyện đã triển khai được nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây.

Vườn cà phê tái canh của người dân xã Glar, huyện Đak Đoa. Ảnh: N.H

Vườn cà phê tái canh của người dân xã Glar, huyện Đak Đoa. Ảnh: N.H

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cơ quan chuyên môn huyện Đak Đoa cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa được bố trí đủ kinh phí thực hiện đề án. Bên cạnh đó, huyện mới khảo sát thực hiện trên một số cây trồng chủ lực phù hợp với trình độ canh tác của người dân, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết. Ngoài ra, diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung quy mô lớn, có chứng nhận xuất khẩu; thiếu sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ nên phần lớn sản phẩm chủ yếu xuất thô, chưa có thương hiệu.

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện-thông tin: Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, các cấp, ngành của huyện đã triển khai nhiều hoạt động liên quan, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định.

Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương; duy trì chợ phiên nông sản an toàn giúp người dân các xã, thị trấn giới thiệu quảng bá sản phẩm sạch, chất lượng cao đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tổ chức tập huấn cho các HTX và xây dựng 1-2 HTX hoạt động hiệu quả để nhân rộng; tăng cường kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, trái cây; xây dựng vùng nguyên liệu cây trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, sản xuất thâm canh, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Có thể bạn quan tâm