Kinh tế

Nông nghiệp

Sức bật từ hợp tác xã kiểu mới ở Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) kiểu mới ở huyện Phú Thiện, Gia Lai đã làm ăn có lãi, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, qua đó nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.  



Đánh thức ruộng đồng

Vùng đất khô cằn của xã căn cứ cách mạng Chư A Thai trước đây nông dân chủ yếu trồng mía, mì. Những năm gần đây, khi 2 loại cây trồng này xuống giá thảm hại, bà con chuyển qua trồng khoai lang Nhật Bản nhưng rồi sản phẩm đến kỳ thu hoạch không bán được, buộc chính quyền phải vào cuộc tìm cách “giải cứu”. Giữa lúc nông dân loay hoay chưa biết nên trồng cây gì thì ông Đỗ Văn Năm-Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện (xã Chư A Thai) đưa cây sả Java về vận động bà con trồng hơn 20 ha làm nguyên liệu để chế biến tinh dầu.

 Huyện Phú Thiện nhân rộng cánh đồng lúa lớn một giống cho thu nhập cao. Ảnh: Đ.P
Huyện Phú Thiện nhân rộng cánh đồng lúa lớn một giống cho thu nhập cao. Ảnh: Đ.P



Tin tưởng HTX, ông Trần Văn Hồng (thôn Chả Wâu, xã Chư A Thai) phá bỏ 1,5 ha mía để trồng sả. Ông Hồng cho biết: “Cây sả Java thích hợp với vùng đất cát, nắng nóng của xã Chư A Thai. Đây là loại sả chỉ để lấy lá ép tinh dầu chứ không ăn củ. Sả trồng 4 tháng thì cho thu hoạch lứa đầu tiên, sau đó chăm sóc tốt thì cứ 1,5 tháng cho thu 1 lần. Mỗi năm, 1 ha sả cho thu hoạch 8 tấn lá, bán cho HTX thu về 50 triệu đồng”.

Cận ngày thu hoạch, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện chỉ huy nhóm thợ hoàn thiện lò chưng cất tinh dầu sả trị giá hơn 350 triệu đồng mà ông bỏ tiền túi xây dựng. “Thị trường tinh dầu sả đang rộng mở. Nhiều cơ sở trong khu vực miền Trung và các tỉnh phía Bắc đến đặt vấn đề hợp tác với chúng tôi để xây dựng liên hiệp sản xuất tinh dầu sả. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng diện tích sả lên 100 ha”-ông Năm cho hay.

Tiềm năng đất đai là một lợi thế lớn của huyện Phú Thiện. Để khai thác thế mạnh đó, huyện chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống và tổ chức lại hoạt động của các HTX nhằm phát huy vai trò kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong chuyến khảo sát hoạt động HTX trên địa bàn huyện Phú Thiện cuối tháng 8-2019, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo địa phương xây dựng một HTX kiểu mới thí điểm cho toàn tỉnh, sau đó sẽ tổ chức học tập và nhân rộng.

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, huyện Phú Thiện đã chọn HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) làm điểm. Đây là đơn vị đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và bước đầu phát huy hiệu quả. Theo đó, HTX Nông nghiệp Chư A Thai phối hợp với các ngành chức năng của huyện và liên kết với một số doanh nghiệp uy tín để cung ứng các giống lúa mới có chất lượng cao, gạo thơm, dẻo như: DT66, LH12, TBR225, JO2 cho các thành viên HTX và nông dân trên địa bàn đưa vào sản xuất đại trà. Đồng thời, HTX liên kết với một số địa phương trong huyện hình thành 3 cánh đồng lớn một giống sản xuất lúa chất lượng cao. Mỗi năm, HTX thu mua 100-300 tấn lúa cho các thành viên và nông dân trong huyện…

Sản phẩm chủ lực của HTX là “Gạo Phú Thiện” đã được dán tem truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu và đã có mặt tại thị trường một số tỉnh, thành trong nước, được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn. “Chúng tôi đang nỗ lực cùng chính quyền xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, hướng đến xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” để nâng cao giá trị sản xuất cho thành viên HTX và bà con nông dân”-Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai Phạm Ngọc Nghĩa cho hay.

Sau 4 năm triển khai xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống, đến nay, huyện Phú Thiện đã có 24 cánh đồng lớn với tổng diện tích 1.200 ha. Hàng năm, những cánh đồng này đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng ngàn tấn gạo chất lượng cao. Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: “Các giống lúa mới trên cánh đồng lớn có giá bán cao hơn 300-400 đồng/kg so với giống lúa khác, giúp thu nhập bình quân của người nông dân được nâng lên, đạt 30-35 triệu đồng/ha. Nhờ đó, đời sống của bà con đã được cải thiện đáng kể, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương”.

“Bà đỡ” cho nông dân

Toàn huyện Phú Thiện hiện có 1 Liên hiệp HTX tinh dầu Bạc Hà và 20 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012; tổng số thành viên là 520 người; tổng vốn đăng ký hơn 24,1 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của các HTX là dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi, giao thông nội đồng, vật tư nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vận tải hành khách, hàng hóa...

Từ khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, các HTX đều phát huy chức năng, nhiệm vụ, hướng tới sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thực tế của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, các HTX đã kịp thời hỗ trợ thành viên giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và là nơi tiếp nhận, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thành viên HTX Cá giống xã Ia Peng thu hoạch cá. Ảnh: Đ.P
Thành viên HTX Cá giống xã Ia Peng thu hoạch cá. Ảnh: Đ.P



Ông Nguyễn Đức Thắng-Giám đốc HTX Cá giống xã Ia Peng-cho hay: Khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX hoạt động như một doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tài khoản… Giám đốc HTX được chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường. “Hợp tác xã có 30 thành viên, quản lý 15 ha ao hồ nuôi cá giống nước ngọt. Chúng tôi mua cá bột về ươm ra cá hương rồi giao cho các thành viên nuôi thành cá giống. Sau đó, HTX thu mua lại toàn bộ cá giống để bán cho các đại lý. Thị trường cá giống đang rộng mở, HTX mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của các đại lý. Hàng năm, HTX cung cấp ra thị trường 40 tấn cá giống và 5 tấn cá thịt, bán cho 30 đại lý ở khắp Tây Nguyên và Bình Định, Phú Yên. Các thành viên mỗi năm nuôi 5 lứa cá giống, thu lợi nhuận 300 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần trồng lúa”-ông Thắng thông tin thêm.

Hay như HTX Sản xuất rau an toàn thị trấn Phú Thiện, từ khi thành lập vào tháng 8-2018 đến nay đã bao tiêu sản phẩm cho 1,1 ha rau xanh của 9 thành viên với giá thu mua luôn cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Phúc-Giám đốc HTX-cho biết: “Để giữ uy tín với khách hàng và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi hướng dẫn bà con sản xuất theo đúng quy trình gồm 12 tiêu chí của VietGAP; đồng thời lên lịch kiểm tra nghiêm ngặt. Chúng tôi đang mở rộng diện tích chuyên canh rau để tăng thu nhập cho người dân”.

Về vựa lúa Phú Thiện trong dịp xuân mới này, lòng phấn khởi khi thấy đời sống của người dân các buôn làng có nhiều khởi sắc. Trong đó, dấu ấn nổi bật là đóng góp của kinh tế hợp tác góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-đánh giá: “Bên cạnh số ít HTX mới chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 còn khó khăn về vốn và kế hoạch kinh doanh dài hơi thì nhiều HTX trên địa bàn huyện Phú Thiện đã chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp. Nhiều HTX bước đầu làm ăn có lãi, chia lợi nhuận cho thành viên, giải quyết hài hòa lợi ích giữa thành viên với HTX. Thành công của các HTX đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương”. 

 

ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm