Thời sự - Bình luận

Sức mạnh công nghệ trong hỗ trợ vùng bão lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngay sau lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày 10-9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã ủng hộ 120 tỷ đồng nhằm chia sẻ mất mát, khó khăn với đồng bào các tỉnh thành phía Bắc.

Hai ngày sau, thành phố cùng lúc tổ chức 2 hoạt động thiết thực khác hướng về đồng bào miền Bắc. Đó là ra mắt “Chiến dịch hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp S.O.S Food” của Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (Food Bank Việt Nam) - một sáng kiến của Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam với sự bảo trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Sáng kiến này không chỉ cung cấp thực phẩm dinh dưỡng kịp thời đến những khu vực bị thiệt hại nặng nề mà còn có thể sản xuất các loại thực phẩm khẩn cấp và sinh tồn, bảo quản lâu dài, dễ dàng vận chuyển trong điều kiện khắc nghiệt của thiên tai.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Tiktok Việt Nam ký kết hợp tác truyền thông nhằm kêu gọi ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc cũng như lan tỏa các thông điệp ý nghĩa của thành phố.

Với chương trình hợp tác này, công năng Donation (ủng hộ từ thiện) được “kích hoạt” trên nền tảng để ai cũng có thể chung tay, góp sức đóng góp trực tiếp một cách công khai, minh bạch, đúng người, trúng địa chỉ, giảm bớt khâu trung gian.

Rõ ràng, việc tận dụng ưu thế công nghệ đã góp phần đắc lực vào quá trình kết nối, tương tác và tập hợp các nguồn lực xã hội để chung tay khắc phục nhanh nhất, hiệu quả nhất hậu quả thiên tai bão lũ.

Trong đó, 5 vấn đề quản trị rủi ro đã được xác định và giao những cơ quan, trường viện nghiên cứu để chuẩn bị các đề án tham mưu, bao gồm: Nhận diện xác định rủi ro từ xa, từ sớm qua đó theo dõi, cảnh báo; Tổ chức cứu trợ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra; Tổ chức hỗ trợ người dân sau thiên tai, cả vật chất lẫn tinh thần; Hỗ trợ tái thiết, xây dựng lại sau thiên tai, cả các công trình lớn, lẫn với cấp cộng đồng; Xây dựng văn hóa ứng xử, ứng phó trong trường hợp thiên tai, địch họa.

Từ 3 năm trước, trong đỉnh điểm đại dịch Covid-19, khi TPHCM áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, công nghệ đã cho thấy sức mạnh kết nối với việc tạo lập, vận hành các nhóm chung để chia sẻ thông tin, thuốc men, thực phẩm… Công nghệ đã giản lược tối đa sức người trước áp lực lớn về không gian lẫn thời gian, qua đó điều chỉnh một số hành vi tương tác giữa người với người.

Không chỉ tận dụng công nghệ như một công nghệ tối ưu mà chính quyền thành phố còn cho thấy tinh thần đổi mới sáng tạo trong vận dụng các hoạt động của các đoàn thể, tổ chức MTTQ thời gian gần đây. Điều đáng nói, trong đổi mới của các tổ chức đoàn thể, nhiều ứng dụng công nghệ tiếp tục được khai thác, vận hành công việc nhằm đạt hiệu quả phục vụ người dân cao nhất.

Trong diễn biến cơn bão số 3 vừa qua, đoán định sức tàn phá của bão, lãnh đạo thành phố đã sớm lên phương án vừa ứng phó những ảnh hưởng của bão trên địa bàn thành phố vừa sẵn sàng “góp của góp sức” cho các tỉnh phía Bắc.

Tính chủ động ứng phó và tận dụng ưu thế chuyên môn cao, công nghệ số để hỗ trợ các địa phương bạn đã góp phần khắc phục nhanh hậu quả thiên tai tàn phá ở mức độ rộng, nặng nề.

Dù vậy, quá trình đổi mới cách làm, huy động phương thức ứng phó các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh không phải là việc một sớm một chiều. Nó có tính linh hoạt theo kiểu “ứng vạn biến” đồng thời có tính tích lũy kinh nghiệm đi kèm với tối ưu hóa công nghệ, tinh thần đổi mới sáng tạo để mục tiêu trước mắt - ưu tiên tập hợp hiệu quả các năng lực - nguồn lực xã hội nhằm thực hiện hiệu quả các công trình dự án tình nguyện từ thiện của thành phố đến được với đồng bào các vùng hứng chịu thiên tai, dịch bệnh.

Theo CHÍNH TÂM (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm