Điểm đến Gia Lai

Sức sống mới ở "thủ phủ hồ tiêu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà người dân xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đang từng bước vượt qua khó khăn. Nhịp sống mới đã trở lại trên vùng đất từng được mệnh danh là "thủ phủ hồ tiêu" này.

Thời hoàng kim, xã Ia Blứ có hàng trăm tỷ phú nhờ hồ tiêu được mùa, được giá. Tuy nhiên, từ năm 2015, hàng loạt vườn hồ tiêu bị chết do dịch bệnh, nắng hạn khiến đời sống của hàng ngàn hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ xứ đi làm thuê. Theo thống kê, trong giai đoạn này, diện tích hồ tiêu trên địa bàn xã bị chết do dịch bệnh, nắng hạn lên đến hơn 1.000 ha. Để vượt qua khó khăn, nhiều người phải bỏ xứ đi làm ăn xa. Tuy nhiên, không ít người quyết tâm bám trụ, chuyển đổi sang mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao như: chăn nuôi dê, trồng cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm... Nhờ đó, cuộc sống của người dân nơi đây từng bước ổn định, thu nhập được nâng lên.

Nhờ chuyển sang nuôi dê, mỗi năm, gia đình ông Đoàn Văn Thái (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Quang Tấn
Nhờ chuyển sang nuôi dê, mỗi năm, gia đình ông Đoàn Văn Thái (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Quang Tấn


Ông Đoàn Văn Thái (thôn Thủy Phú) là một trong những người tiên phong triển khai mô hình nuôi dê lấy thịt. Mô hình đã từng bước giúp gia đình ông Thái vượt qua khó khăn, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. “Năm 2015, gần 2.000 trụ hồ tiêu của tôi bị xóa sổ. Mất nguồn thu nhập chính, lại phải lo khoản nợ ngân hàng gần 400 triệu đồng càng khiến cuộc sống của gia đình lâm vào bế tắc. Năm 2016, tôi quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi dê lấy thịt. Từ khi chuyển sang nuôi dê, cuộc sống của gia đình dần ổn định hơn, các khoản vay ngân hàng trước đây đã trả xong. Mỗi năm, tôi nuôi vỗ béo 4 lứa dê, mỗi lứa khoảng 120 con. Với giá bán khoảng 140 ngàn đồng/kg, tôi tích lũy được 400-500 triệu đồng”-ông Thái phấn khởi nói.

Tương tự, sau khi toàn bộ diện tích hồ tiêu bị chết, vợ chồng chị Lê Thị Thu Loan phải bỏ xứ đi làm ăn xa kiếm tiền trả lãi ngân hàng. Trong khoảng thời gian làm thuê tại tỉnh Lâm Đồng, chị Loan thấy việc trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và cũng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Ia Blứ. Năm 2019, vợ chồng chị về Ia Blứ gầy dựng lại cơ nghiệp với nghề trồng dâu nuôi tằm. Chị cho biết: “Tôi trồng dâu để nuôi tằm trên diện tích 8 sào. Trung bình mỗi tháng thu được khoảng 120 kg kén với giá bán bình quân 120-170 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi thu được khoảng 10-15 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, đời sống gia đình từng bước ổn định hơn. Ngoài ra, tôi cũng trồng thêm 80 cây sầu riêng, dự kiến khi cho thu hoạch sẽ có thêm khoản thu nhập đáng kể”.

Chị Loan (xã Ia Blứ) hái lá dâu cho tằm ăn. Ảnh: Quang Tấn
Năm 2019, gia đình chị Lê Thị Thu Loan gầy dựng lại cơ nghiệp với nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Quang Tấn
Năm 2020, Ia Blứ được UBND huyện Chư Pưh chọn làm xã điểm về phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, xã đã lồng ghép các nguồn vốn khác nhau đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng hỗ trợ người dân trồng sầu riêng, mít Thái, trồng dâu nuôi tằm và nuôi dê. Đến nay, xã đã phát triển được 720 ha cây ăn quả, đàn dê lên gần 11.000 con, hơn 3 ha trồng dâu nuôi tằm và hơn 400 ha cà phê. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 41 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,8%.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Bá Hoành Thiên-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ-cho biết: Thời điểm đó, đời sống người dân trong xã vô cùng khó khăn, nợ ngân hàng chồng chất, khoảng 1.400 người đi đến các tỉnh khác mưu sinh. Để từng bước vực dậy nền kinh tế, bên cạnh tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Trong đó, tập trung triển khai các mô hình phát triển cây ăn quả, chăn nuôi dê, trồng dâu nuôi tằm… Hiện nay, tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân đã có sự thay đổi. Bà con biết đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, không chạy theo phong trào để tránh rủi ro. Người dân cũng liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản. Hiện Ia Blứ đã có 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; nhiều mô hình cây ăn quả và chăn nuôi mang lại hiệu quả cao.

“Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tham gia hợp tác xã, nông hội để liên kết sản xuất với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ nhấn mạnh.

 

 QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm