Cầu treo qua sông Ba, đường vào khu Tài Mậu (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: Đ.M.P |
Tôi đọc ở đâu đó một câu chuyện rằng: Có anh nọ thường tham gia các cuộc ngao du, khám phá rất nhiều vùng đất. Một hôm, cha anh ấy hỏi: “Con đi nhiều như thế, con thích nhất là ở những đâu?”. Không suy nghĩ đắn đo, anh ấy trả lời ngay: “Con thích nhất là ở quê mình”. Rồi anh đọc lại câu tục ngữ: “Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!”.
Câu tục ngữ nói trên có nhiều nghĩa. Tuy nhiên, với “chủ đề đi nhiều” thì chúng ta thấy rằng, bờ tre, mái rạ, cây cau, mảnh vườn, ao nước... là những cảnh vật thân thuộc với gia đình, với làng xóm ta từ bao đời nay.
Cái ao dù nhỏ, nhưng nó là sở hữu thân thiết của mọi gia đình nông thôn, nhất là làng quê xứ Bắc. Ao là nơi lấy nước tắm, giặt giũ, gột rửa vật dụng gia đình, là nguồn nước để phục vụ sinh hoạt và cũng là nguồn nước tưới tắm cho cây trồng, vật nuôi.
Cầu ao, bờ ao cũng là hình ảnh đã trở thành quen thuộc của người dân quê và đã đi vào ca dao: “Đêm qua ra đứng bờ ao/Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ”. Người quê còn nhắc nhở con cháu dù đi đâu vẫn cần nhớ về nguồn gốc của mình: “Lá rụng về cội”.
Các văn nghệ sĩ và du khách chụp hình lưu niệm tại Di tích lịch sử-văn hóa Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu, huyện Kbang. Ảnh: Đoàn Minh Phụng |
Rộng ra thì nước ta có nền văn hiến rực rỡ lâu đời, dân ta có ý thức tự chủ, ý chí tự cường, gắn bó và bảo vệ quê hương đất nước, từng làm thất bại âm mưu đồng hóa của ngoại bang. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dân ta vẫn giữ vững nền độc lập của đất nước và bản sắc riêng của nền văn hóa Việt Nam. Gắn bó với cội nguồn, với xứ sở bằng tất cả niềm tự hào mình là người Việt, quê hương mình là tất cả.
Nói thế cũng không phải chỉ biết quanh quẩn trong làng khi mà đất nước đã mở cửa, hội nhập, quan hệ đa phương với phương châm “Ngoại giao cây tre” mà chúng ta đang thực hiện. Thì chẳng phải, người xưa cũng đã từng nhắc nhở: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đó sao!
Trở lại “chuyện đi nhiều”. Tôi cũng thuộc típ người càng có tuổi càng muốn rong ruổi đó đây, để hiểu biết thêm phần nào những nơi mà mình chưa có dịp ghé thăm khi còn thời tuổi trẻ, nhất là những quốc gia lân cận với nước mình. Tuy thế, nhưng cứ đi xa chừng năm bảy ngày là lại nhớ về quê hương xứ sở, nhớ từng góc phố, con đường, từng vóc dáng mỗi sáng chiều mình gặp...
Đặc biệt là nơi sinh ra và lớn lên, nơi một thời cùng đồng đội, đồng bào nếm trải bao gian nan bởi bom đạn của giặc những ngày chiến tranh khốc liệt. Trở về những nơi có nhiều kỷ niệm xưa ấy, bao giờ tôi cũng thấy ấm lòng, dẫu nhiều khi cũng chẳng còn ai trang lớp mình để bầu bạn, chia sẻ, nhưng vẫn cứ muốn “về”. Lại nhớ chuyện cũ, khi mà anh Nguyễn Mộng Hoàng-Bí thư Huyện ủy Kbang, tôi ở huyện Chư Sê, cứ lâu lâu anh lại gọi hỏi tôi: “Không nhớ Kbang hả?”.
Hỏi vậy là bởi anh ấy không biết đấy thôi, chứ mỗi khi có dịp là tôi lại về Kbang, chỉ lòng vòng vào một vài nơi mà mình từng ở một thời kháng chiến, một vài làng Bahnar quanh nơi cơ quan mình đứng chân, được bà con bao bọc, che chở năm xưa, thế là đỡ nhớ, đỡ mong.
Giờ thì khác rồi, bởi “tỷ phú thời gian” cho nên Kbang luôn là điểm đến khi ở đó có sự kiện của địa phương. Hơn nữa, người trẻ, hậu thế Kbang cũng rất nghĩa tình với người cũ, cũng như anh Hoàng năm xưa, gián tiếp nhắc nhở chúng tôi “đừng quên quá khứ”.
Dẫu nghỉ làm rồi, nhưng viết lách là cái nghiệp của người vốn đã từng cầm bút, cho nên mỗi khi về quê, thấy gì, nghe gì cũng muốn viết, muốn ghi lại chút cảm xúc bỗng đâu ùa về, nhất là những “dấu ấn” vui buồn về người thân, gia đình, làng xóm. Mỗi góc vườn, mỗi con đường, bức tường, mái ngói đều thân quen mà mỗi lần về vẫn như mới lạ, luôn muốn tìm về một kỷ niệm nào đó đã thuộc về quá khứ. Mỗi người thân, người làng khi ngồi hàn huyên bên ly rượu nhạt cùng nhau đều gợi lên trong ký ức bao nỗi niềm nhớ nhung.
Cho nên, dẫu có đến nơi nào thì với người già như thế hệ chúng tôi (có lẽ vậy) vẫn không đâu bằng quê hương xứ sở. Hơn nữa, đây còn là nơi chốn từng sống, nơi đã từng có thời gian chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi cùng đồng chí, đồng bào trong các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước.
Hồi xưa, chị Lê Thị Điểm là y sĩ, được phân công chuyên trách chăm sóc sức khỏe cho cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy. Giờ, chị theo con sống ở nơi xa. Mỗi khi thấy tin tức về Kbang, chị lại gọi cho tôi: “Khi nào về Krong báo cho chị về với”.
Và, nhiều người từng sống và làm việc trong căn cứ cách mạng của tỉnh ở Kbang, dẫu giờ định cư nơi xa xôi, nhưng khi có dịp là về thăm lại chiến trường xưa. Như ông Nguyễn Bá Mịch (cán bộ Cơ yếu Văn phòng Tỉnh ủy, hiện sinh sống ở Hà Nội) đã từng tâm sự trong nước mắt khi trở lại Gia Lai, trở lại Krong: “Tôi trở về thăm lại chiến trường xưa đúng dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (17/3/1975-17/3/2021). Thoáng cái đã 57 năm trôi qua kể từ ngày tôi đặt chân lên mảnh đất Gia Lai. Ngày trở lại, tôi đã khóc nức nở khi máy bay hạ cánh xuống Sân bay Pleiku...
Tôi bồi hồi xúc động khi trở lại Kbang, hoài niệm nhớ về đồng đội cũ, về những năm tháng chiến đấu và không cầm được nước mắt khi nghĩ mình may mắn hơn các đồng đội đã hy sinh, mình còn được nhìn thấy đất nước giải phóng, non sông thu về một mối”.
Thế đấy, “ao ta” sao mà thân thương, yêu quý đến thế, nơi sinh ra lớn lên và nơi nuôi ta, che chở đùm bọc chúng ta những năm tháng gian lao mà tự hào, mà chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm thức chúng ta, Kbang là nơi như vậy.
“Ta về ta tắm ao ta” với Krong, với Làng kháng chiến Stơr của Anh hùng Núp thuở nào. Còn xa hơn, không thể không về với nơi từng có người con gái Bahnar kết duyên, kết phận cùng người anh cả của Nguyễn Huệ-Quang Trung. “Ao ta” của chúng tôi ở những nơi đó!