TN - Đất & Người

Tái cơ cấu cây trồng chủ lực vùng Tây Nguyên:Thực trạng cà phê Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cà phê là cây trồng chủ lực của người dân các tỉnh Tây Nguyên, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
 
Thực trạng cà phê tại Tây Nguyên tồn tại nhiều bất cập. (Ảnh: Ngọc Khanh).
Trong những năm qua, cây cà phê đã phát triển mạnh mẽ cả về diện tích, năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống của người lao động. Tuy nhiên thực trạng hiện nay cây cà phê phát triển thiếu tính bền vững, yêu cầu cấp thiết phải tái cơ cấu lại cây trồng này gắn với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Cà phê là cây công nghiệp xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, hiện nay diện tích cà phê cả nước có trên 655.817 ha, tập trung chủ yếu tại Tây Nguyên với 88% diện tích, trong đó diện tích cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh là 549.000 ha, năng suất trung bình 2,66 tấn/ha, sản lượng xuất khẩu đạt 1,34 triệu tấn, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,67 tỷ USD.
TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết: Cây cà phê có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế đối với Tây Nguyên là vậy nhưng do phát triển diện tích ồ ạt, không theo quy hoạch thời gian qua đã đặt ra nhiều thách thức, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và thiếu bền vững, đặc biệt là việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ.
Theo TS Trần Vinh, với trên 90% diện tích cà phê của Việt Nam được trồng bằng cây thực sinh không qua chọn lọc nên năng suất thấp, chất lượng hạt kém. Bên cạnh đó quy trình kỹ thuật chăm sóc cà phê không đúng đã dẫn tới cà phê giảm nhanh về năng suất, chất lượng.
“Việc đầu tư phân bón không đúng so với quy trình khuyến cáo, bón phân chưa cân đối, chưa theo độ phì đất và nhu cầu dinh dưỡng cây trồng đã làm thoái hóa đất, kỹ thuật tưới nước chưa hoàn thiện, nông dân thường tưới vượt so với quy trình làm lãng phí nước dẫn đến mực nước ngầm giảm sút nghiêm trọng.
Một thực tế là người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý, không đúng liều lượng; hầu hết diện tích trồng cà phê ở Việt Nam đều không có cây cây che bóng, chắn gió... Còn khâu thu hoạch chế biến cũng chưa tốt, hiện nay vẫn còn tình trạng người dân thu hoạch khi tỷ lệ quả xanh còn cao, cơ sở chế biến được xây dựng chưa phù hợp với quy mô về sản lượng thu hoạch làm chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam thấp", TS Trần Vinh chia sẻ.
Ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó cà phê già cỗi (năng suất dưới 1,5 tấn/ha, độ tuổi trên 25 năm, cây sinh trưởng phát triển kém) đang tăng nhanh. Mặc dù thời gian qua, việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên đã được đẩy mạnh nhưng một thực tế là diện tích cà phê bị “lão hóa“ vẫn còn chiếm tỷ lệ rất lớn.
 
Ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức. (Ảnh: Ngọc Khanh).
Thống kê, hiện tại Tây Nguyên diện tích cà phê trên 20 năm tuổi khoảng 86.000 ha, chiếm 15,8%, diện tích cà phê 15-20 năm tuổi khoảng 140.000 ha, chiếm khoảng 25,5%. Việc trồng lại gặp rất nhiều khó khăn, kết quả điều tra của WASI cho thấy tỷ lệ vườn cà phê tái canh thất bại lên tới 38%, gây thiệt hại lớn về tiền bạc và thời gian của người dân. Nguyên nhân là do người dân chưa áp dụng đúng quy trình tái canh của Cục Trồng trọt ban hành.
Mặc dù, thời gian qua người dân và nhất là các doanh nghiệp đã chú trọng đến chất lượng hạt cà phê để nâng cao giá trị xuất khẩu, tuy nhiên, cà phê có chứng nhận mới chiếm khoảng 30% tổng sản lượng cà phê cả nước, tỷ lệ này còn quá thấp so với cà phê hiện có của Việt Nam.
Theo thống kê, cả nước mới có trên 102.150 hộ gia đình tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận với tổng diện tích 172.417 ha. Sản lượng mỗi năm đạt 622.706 tấn cà phê nhân, trong đó sản lượng cà phê chứng nhận 4C là 451.271 tấn, UTZ Certified là 135.550 tấn, Rainforest Alliance (RFA) là 32.885 tấn, Fairtrade (FT) là 3.000 tấn. Chính diện tích cà phê được sản xuất có chứng nhận còn thấp khiến giá bán thấp.
Theo TS Trần Vinh, cà phê là cây lâu năm nhưng hệ thống rễ của nó đặc biệt là rễ tơ phân bố chủ yếu ở tầng đất mặt. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều khẳng định trên 90% bộ rễ của cây cà phê phân bố ở độ sâu từ 0-30 cm, do đó cây cà phê gần như không thể chống chịu được một mùa khô khắc nghiệt và kéo dài 6 tháng ở Tây Nguyên (tháng 11 đến tháng 4 năm tiếp theo).
Vì vậy, để có vườn cà phê sinh trưởng tốt và cho năng suất cao thì hầu hết cà phê ở Tây Nguyên đều phải được tưới nước trong mùa khô, nhưng hầu hết lại sử dụng lượng nước tưới vượt quá mức yêu cầu của cây. Các nghiên cứu gần đây của WASI cho thấy, người sản xuất cà phê ở Tây Nguyên có xu hướng tưới thừa so với lượng khuyến cáo trên 100 m3/ha/lần tưới.
Theo tính toán, với diện tích cà phê gần 500.000 ha thì mỗi năm với trung bình 3 - 4 lượt tưới, ngành sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đã lãng phí một lượng nước trên 150 triệu m3 nước. Đây là một trong những nguyên nhân làm mất cân bằng nguồn nước ở Tây Nguyên, nhất là trong điều kiện khô hạn ngày càng khốc liệt.
 
Phải tái cơ cấu lại để cà phê phát triển bền vững, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân cũng như tạo sức cạnh tranh. (Ảnh: Ngọc Khanh).
Cùng với tưới nước thì bón phân cũng là biện pháp để nâng cao năng suất cà phê. Theo TS Trần Vinh, tại Tây Nguyên, phương pháp bón phân chủ yếu và thông dụng nhất vẫn là vãi bằng tay thẳng vào đất. Tuy nhiên, do việc rạch hàng bón phân theo quy trình gặp rất nhiều khó khăn nhất là khi cà phê đã giao tán, do vậy hầu hết nông dân đều bón vãi trên mặt đất và chờ mưa. Biện pháp này tuy dễ làm và ít tốn công nhưng phân sẽ bị bốc hơi nếu không gặp mưa cũng như sẽ bị rửa trôi rất nhiều nếu mưa to sau khi bón, vì vậy hiệu quả phân bón cho cây trồng theo phương pháp bón vào đất thường không cao.
Những tồn tại, bất cập trong việc phát triển cà phê Việt Nam thời gian qua đặt ra vấn đề phải tái cơ cấu lại để cây cà phê phát triển bền vững nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân cũng như tạo sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Mai Phương-Huỳnh Kim (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm