Sức khỏe

Tai nạn do máy xay thịt khiến nam thanh niên mất 1/3 cánh tay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh T.T.T (30 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) trong quá trình xay thịt, thì không may bị máy xay nghiền 1/3 cẳng tay phải.

Ngày 17.6, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Tấn Thạnh, Trưởng khoa Chỉnh hình vi phẫu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), cho biết bệnh nhân T. nhập viện với cẳng tay bị máy xay chả cuốn dập nát mô cơ và đứt rời cẳng tay, vết thương mỏm cụt 1/3 dưới cẳng tay phải.

Ê kíp bác sĩ đã khẩn cấp phẫu thuật sửa mỏm cụt chi cho bệnh nhân, cắt lọc tỉ mỉ để có thể giữ được một phần cẳng tay phía trên cho bệnh nhân.

Hiện tại, anh T. tiếp tục được theo dõi, sức khỏe ổn định.

Trước đó, bệnh nhân L.T.B.H (38 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng được đưa đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á cấp cứu trong tình trạng đau đớn vì vết thương chảy máu nhiều vùng mang tai - cổ - ngực do máy xay chả cuốn lấy tóc và kéo theo vùng đầu mặt bên trái trong lúc bệnh nhân làm việc. Vết thương gây sưng nề, chảy máu vùng hàm mặt với vết cắt chi chít kéo dài 15 cm.

Ê kíp trong ca phẫu thuật xử lý vết thương cho bệnh nhân

Ê kíp trong ca phẫu thuật xử lý vết thương cho bệnh nhân

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu xử lý vết thương, kích hoạt quy trình báo động đỏ, chuyển bệnh nhân H. qua phòng mổ để phẫu thuật cấp cứu, khâu nối vết thương. Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp bác sĩ nhận định đây là vết thương phức tạp vùng mặt làm gãy xương hàm dưới vùng cằm và cành đứng bên phải. Sau 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã giải cứu bệnh nhân khỏi cơn nguy kịch do sốc mất máu và xử lý ổn vết thương.

Bác sĩ Thạnh khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi sử dụng các thiết bị như máy xay thịt, thực hiện an toàn lao động để phòng ngừa những tai nạn thương tâm. Tai nạn thương tích trong sinh hoạt và lao động là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, chỉ một chút sơ suất nhỏ, mọi tai nạn đều có thể xảy ra với bất kỳ ai và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, trong quá trình sinh hoạt, lao động người dân phải hết sức thận trọng.

"Các cơ sở sản xuất kinh doanh cần tổ chức tập huấn định kỳ, đào tạo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động nhằm hạn chế tối đa tai nạn lao động xảy ra. Đồng thời, người sử dụng lao động phải trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu để kịp thời xử lý khẩn cấp các tình huống chẳng may xảy ra tai nạn tại nơi làm việc", bác sĩ Thạnh chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm