Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Tai nạn máy bay quân sự ở Quảng Nam: Phi công chia sẻ về giây phút sinh tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại úy Đỗ Tiến Đức, phi công điều khiển máy bay Su 22, số hiệu 5880 bị rơi ở Quảng Nam, đã chia sẻ những giây phút đối mặt với sinh tử và nỗ lực đưa máy bay ra khỏi khu dân cư.
Đại úy Đỗ Tiến Đức (Phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn Không quân tiêm kích bom 929, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân) trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Đại úy Đỗ Tiến Đức (Phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn Không quân tiêm kích bom 929, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân) trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ngày 12/1, ba ngày sau vụ tai nạn máy bay quân sự tại tỉnh Quảng Nam, phi công điều khiển máy bay là Đại úy Đỗ Tiến Đức đã cơ bản hồi phục nhưng vẫn đang được kiểm tra, theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Quân y 17, Quân khu 5.

Đại úy Đỗ Tiến Đức (Phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn Không quân tiêm kích bom 929, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân) đã chia sẻ những giây phút đối mặt với sinh tử và nỗ lực đưa máy bay ra khỏi khu dân cư.

Đại úy Đỗ Tiến Đức nhớ lại, hôm đó, sau khi biên đội bay hoàn thành bài bay thì nhận lệnh chỉ huy bay, hướng về sân bay để hạ cánh. Lúc này, anh Đức đã điều khiển máy bay, mở cự ly với máy bay trong đội để hạ cánh trực tiếp tại sân bay Đà Nẵng. Nhưng khi thả càng để hạ cánh máy bay đã xảy ra sự cố, không thể hạ cánh, anh liền báo cáo chỉ huy bay.

Sau nhiều lần kiểm tra lại các tham số động cơ và liên tục báo cáo, anh xác định không thể hạ cánh được an toàn, phải nhảy dù.

Đại úy Đỗ Tiến Đức quan sát nhanh phía trước mặt là khu dân cư đông đúc, bên tay trái có nhiều đồng ruộng và ít dân cư hơn, lúc này, độ cao và tốc độ máy bay đã giảm dần. Chỉ huy bay lệnh cho anh đưa máy bay ra khỏi khu vực đông dân cư nên anh chỉnh hướng máy bay về phía bên trái.

Vừa liên tục báo cáo và kiểm tra các tham số, Đại úy Đức vừa cố gắng giữ máy bay cho độ cao, tốc độ giảm dần nhằm hạn chế tối đa mức va chạm của máy bay với mặt đất, tránh làm văng những mảnh vỡ khi tiếp đất.

Khi gần tới giới hạn cuối cùng về độ cao và tốc độ cho việc nhảy dù, anh Đức quyết định nhảy dù. Tất cả sự việc xảy ra trong vòng chưa tới 30 giây, nếu nhảy dù chậm vài giây có thể nguy hiểm đến tính mạng phi công.

Là một phi công có 15 năm kinh nghiệm nhưng khi nghĩ lại tình huống vừa qua, Đại úy Đỗ Tiến Đức vẫn nhận định là rất nguy hiểm.

“Tôi biết nếu nhảy dù sớm hơn thì sẽ an toàn hơn nhưng khi đó tôi không lo lắng mà chỉ nghĩ làm sao để đảm bảo an toàn cho người dân bên dưới. Sau khi đưa dù tiếp đất thành công, tôi vẫn rất lo lắng việc máy bay rơi có thể ảnh hưởng đến an toàn của người dân ở dưới mặt đất. Khoảng 20 phút sau, nghe đồng chí Chủ tịch phường thông báo không có thiệt hại về người, tôi mới cảm thấy yên tâm hơn," anh Đức chia sẻ.

Hiện trường vụ máy bay huấn luyện quân sự rơi tại Điện Bàn, Quảng Nam. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Hiện trường vụ máy bay huấn luyện quân sự rơi tại Điện Bàn, Quảng Nam. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Một điều nữa khiến anh rất cảm động là ngay sau khi vừa tiếp đất, còn hơi choáng, một bà cụ chạy ra ân cần hỏi thăm anh có bị thương không. Sau khi kiểm tra, không có thương tích bà cụ mới yên tâm. Điện Bàn, Quảng Nam vốn là vùng chiến khu cách mạng nên người dân địa phương luôn dành những tình cảm đặc biệt cho người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Theo Thượng tá Lê Tuấn Nghĩa (Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích bom 929, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân), trước khi xảy ra sự cố, chỉ huy bay đã nhắc phi công bình tĩnh kiểm tra tham số động cơ và các hệ thống liên quan.

Sau khi nắm đầy đủ các tham số, chỉ huy bay giúp đỡ phi công thực hiện bước xử lý tình huống bất trắc theo đúng quy định của sổ tay phi công.

Khi phi công thực hiện đầy đủ các bước nhưng vẫn không hồi phục được trạng thái làm việc của động cơ và các hệ thống, chỉ huy bay lệnh cho phi công hướng về khu vực trống trải, không có dân cư rồi làm động tác nhảy dù. Việc này nhằm tránh thiệt hại cho người dân.

Thượng tá Lê Tuấn Nghĩa cũng cho biết sau khi vụ việc xảy ra, Trung đoàn phối hợp với các lực lượng quân sự, chính quyền địa phương để phong tỏa hiện trường. Đồng thời, đơn vị động viên, nắm bắt các thiệt hại của người dân làm cơ sở xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả. Đến nay, công tác khắc phục thực hiện cơ bản tốt, đơn vị đang sửa chữa lại nhà dân bị ảnh hưởng.

Như phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, vào ngày 9/1, máy bay Su 22, số hiệu 5880 do phi công Đỗ Tiến Đức điều khiển đã gặp tai nạn. Máy bay cất cánh lúc 11 giờ 4 phút, khoảng 10 phút sau, phi công báo máy bay gặp sự cố không thể về hạ cánh được.

Theo hướng dẫn của chỉ huy bay, phi công nỗ lực đưa máy bay ra xa khu dân cư và nhảy dù tại vị trí cách trục đường băng về phía Nam 19km (thuộc địa bàn xã Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Vụ việc khiến máy bay bị rơi nhưng không có thiệt hại về người, phi công nhảy dù an toàn, sức khỏe ổn định. Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục kiểm tra, khắc phục vụ việc.

Có thể bạn quan tâm