Du lịch

Hành trang lữ hành

Tại sao khách quốc tế đến Việt Nam không đạt như kỳ vọng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa trong khi thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thị trường trọng yếu vẫn gặp khó
Tại hội thảo "Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới" do Tạp chí Cộng sản phối hợp Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào sáng 24-5, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đánh giá sang năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa trong khi thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể đạt được như mức trước dịch (năm 2019).
 
Ảnh: Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Nội Bài
Ảnh: Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Nội Bài
"Hiện tại, mặc dù các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh mà lượng khách du lịch, nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn rất hạn chế. Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chưa được kích hoạt do các quốc gia, vùng lãnh thổ này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau, chưa tạo điều kiện cho du lịch quốc tế. Thị trường khách Nga thì bị đóng băng, chưa biết đến khi nào mở lại do xung đột Nga - Ukraine" - ông Thắng cho hay.
Mặt khác, do ảnh hưởng của Covid-19, trên bình diện quốc tế, thu nhập của người dân bị tác động lớn nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế.
"Giá nhiên liệu tăng cao liên tục vừa qua và chưa có tín hiệu giảm nhiệt đã gây áp lực chi phí lên hoạt động các hãng hàng không đang rất nặng nề. Chưa kể, xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đến các đường bay Châu Âu của các hãng hàng không Việt Nam khi phải bay vòng, phát sinh thêm chi phí"- ông Thắng nêu hàng loạt thách thức.
Theo GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện tại có một số dự báo về quy mô phục hồi của ngành hàng không trong năm 2022 nhưng kịch bản trung bình với tính khả thi cao là năm 2022 thị trường hàng không đón 4.243 triệu lượt hành khách, trong đó dự báo sẽ có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, lượng khách nội địa sẽ gần như phục hồi hoàn toàn, đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch. Nhưng thị trường quốc tế giảm 72-80% so với năm 2019 và sẽ cần thời gian dài hơn để phục hồi.
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không quốc tế thế giới sẽ hồi phục ở mức năm 2019 vào năm 2025 song không phải tất cả các thị trường đều phục hồi với tốc độ như nhau. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tụt hậu trong quá trình phục hồi và theo dự báo, phải đến năm 2024 thì khu vực này mới đạt mức 97% so năm 2019..
Cần chính sách hỗ trợ
Nhiều đại biểu tham luận tại hội thảo kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, dòng tiền bền vững cho doanh nghiệp hàng không nhằm có thể sớm phục hồi và phát triển; Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy bay; cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không...
Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, để các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không có thể sớm phục hồi và phát triển thì việc có một nguồn vốn/dòng tiền bền vững là điểu hết sức quan trọng. Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không cũng cần được xem xét: Đề nghị Chính phủ xem xét các gói hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp hàng không như cho vay gói tái cấp vốn với các hãng hàng không lãi suất 0%, thời hạn tối đa 3 năm hay bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng được vay gói hỗ trợ 25.000 tỉ đồng.
Theo Nghị quyết số 11/NQCP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các doanh nghiệp hàng không có thể được hỗ trợ lãi suất 2% trong 02 năm 2022-2023 thông qua các ngân hàng thương mại cho các khoản vay thương mại và tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho năm 2022. "Đây thực sự là nguồn hỗ trợ quý giá, kịp thời của Chính phủ đối với các doanh nghiệp hàng không"- ông Thắng nói và cho biết Cục sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành hàng không.
Trong tham luận tại hội thảo, GS, Nawal Taneja cho rằng trên toàn thế giới, nhu cầu đi lại đang tăng trưởng nhanh chóng nhờ 3 yếu tố thuận lợi: các quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa biên giới, ngành hàng không tăng cường cải cách trên nhiều mặt và các Chính phủ triển khai hỗ trợ tài chính. Trong tương lai, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực; nâng cấp cơ sở hạ tầng để gia tăng năng suất và thứ bậc trong chuỗi cung ứng giá trị của Việt Nam; phát triển hãng hàng không quốc gia, hướng tới mở rộng mạng đường bay, tần suất bay, thúc đẩy giao thương với các đối tác chiến lược trên thế giới như Mỹ.
Hàng không dẫn sóng phục hồi sau đại dịch
Nhiều đại biểu tại hội thảo bày tỏ kỳ vọng hàng không sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP.
Theo Dương Ngọc (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm