Anh Phạm Văn Sính (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku) kể: Trước đây, nhà anh thuộc thôn 5, xã Biển Hồ. Mùa mưa năm 1993, trong một lần đi ra khu vực nghĩa trang tạm của Binh đoàn Tây Nguyên cắt lá cúc quỳ về ép xanh cà phê vườn nhà, bất ngờ anh thấy một ngôi mộ đất (chôn tạm), có tấm bia bằng tôn, viết sơn trắng ghim trên cái cọc gỗ. Bia đề liệt sĩ Bùi Văn Khang, sinh năm 1958, hy sinh năm 1981; quê quán xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nhìn ngôi mộ đã sập ván thiên, cỏ cây mọc lút chưa được cải táng mà lòng anh nao nao. Cũng bởi, thông tin về liệt sĩ ghi trong tấm bia tạm kia, nếu ở ngoài quê thì rất gần với quê anh. Xã Quỳnh Tam nằm phía trên xã Ngọc Sơn quê cũ của anh, cách nhau một con truông, gọi là truông Lá Da.
Tình cảm quê hương trỗi dậy, anh đem chuyện kể cho vợ là chị Hồ Thị Tập. Cũng như anh Sính, chị Tập đến dâng hương mấy lần, lòng thầm nghĩ: Anh nằm đây lạnh lẽo cô quạnh, mà ở quê chắc chẳng ai biết! Sau nhiều đêm trăn trở, chị Tập viết thư gửi về UBND xã Quỳnh Tam. Gửi thư đi, chị Tập mong tin từng ngày. Bất ngờ một ngày nhận được thư trả lời từ ngoài quê. Trong thư, UBND xã Quỳnh Tam xác nhận địa phương có liệt sĩ Bùi Văn Khang. Như vậy chỉ chờ ngày người thân có điều kiện sắp xếp vào thăm mộ liệt sĩ.
Gia đình liệt sĩ Bùi Văn Khang đến Nghĩa trang Binh đoàn Tây Nguyên (phường Yên Thế, TP. Pleiku) làm thủ tục di dời hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Phạm Đức Long |
Hai năm sau, anh Bùi Văn Ngạn, em trai liệt sĩ Bùi Văn Khang tìm đến thôn 5, xã Biển Hồ (sau đổi thành tổ dân phố 5 rồi sáp nhập thành tổ dân phố 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku). Lúc ấy, mộ cũ đã được cải táng, có mộ xây, bia đá. Nội dung bia ghi tử sĩ Bùi Văn Khang quê quán xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (có thể do bia bằng tấm tôn viết sơn bị nhòe mờ, gây ra sai lạc). Người nhà rất thất vọng và hoang mang. Địa chỉ của xã ngoài quê sai hoàn toàn. Quỳnh Tân và Quỳnh Tam là 2 xã khác nhau, dù cùng chung trong huyện Quỳnh Lưu. Mặt khác, bia mới lại ghi là tử sĩ (bia cũ và giấy tờ là liệt sĩ).
Nghĩa trang ở thôn 5 (xã Biển Hồ) trước đây là nơi chôn cất tạm các liệt sĩ, tử sĩ từ các nơi trên địa bàn Tây Nguyên, các vùng biên giới; thậm chí là thương binh, bệnh binh ở chiến trường Campuchia được máy bay trực thăng chở về điều trị, cấp cứu tại Bệnh viện 15 (trước đây thuộc Quân khu 5, nay là Bệnh viện Quân y 211, Quân đoàn 3) không may qua đời... Nay, nghĩa trang này cũng đã được bàn giao về cho Quân đoàn 3, gọi là Nghĩa trang Binh đoàn Tây Nguyên. Hiện nay, đa số mộ phần đã được cải táng ngay tại chỗ, xây ốp ngay hàng thẳng lối. Các gia đình quân nhân trong vùng hương khói cho người thân quanh năm rất ấm cúng.
Vì lý do sai lệch thông tin trên bia mộ, gia đình anh Ngạn không dám đưa hài cốt người trong mộ về với gia đình. Các thủ tục theo chế độ chưa có sự đảm bảo. Về Quỳnh Lưu tra cứu, xã Quỳnh Tân không có liệt sĩ nào tên Bùi Văn Khang. Huyện đã có biên bản xác nhận điều đó. Dưới sự hướng dẫn của chị Tập, gia đình đã photocopy tài liệu hồ sơ liệt sĩ Bùi Văn Khang, kèm thư tay của chị gửi tới Quân khu 5. Một thời gian sau, Quân khu 5 vào cuộc xem xét, chỉ đạo Ban Chính sách Tỉnh đội Gia Lai tiếp xúc với gia đình chị Tập và trực tiếp kiểm tra cụ thể phần mộ của liệt sĩ Bùi Văn Khang. Năm 1995, bố mẹ qua đời, anh Ngạn di cư vào Bình Phước, trực tiếp thờ cúng liệt sĩ Bùi Văn Khang.
Qua quá trình xác minh, cuối cùng mọi việc với liệt sĩ Bùi Văn Khang đã được giải quyết thỏa đáng. Tỉnh đội Gia Lai đã liên hệ với gia đình anh Bùi Văn Ngạn và Tỉnh đội Bình Phước để làm thủ tục di dời hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Khang trở về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Ngày 19-7-2023, đại diện Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku, Ban Chỉ huy Quân sự phường Yên Thế cùng với gia đình liệt sĩ Bùi Văn Khang (từ Nghệ An, Bình Phước và Đak Lak) đến Nghĩa trang Binh đoàn Tây Nguyên làm các thủ tục cần thiết để di dời hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang huyện Hớn Quản. Sau hơn 30 năm sai lạc thông tin, giờ đây, liệt sĩ Bùi Văn Khang đã được xác minh, được trở về bên anh em ruột thịt.
Qua một hành trình khá dài hơn 30 năm với ngôi mộ liệt sĩ mang dòng chữ cố hương, bây giờ anh Sính chị Tập bỗng thấy như nhẹ lòng. Một nghĩa cử của người con xứ Nghệ tha hương đã được đáp đền thỏa nguyện.