Phóng sự - Ký sự

Tám mươi sáu đồng đội về chung một nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đôi bàn tay run run, Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh chỉ lên tấm bia tưởng niệm, đọc rõ từng cái tên, từng địa chỉ đồng đội, đôi mắt ông ngấn lệ. Một thời mưa bom bão đạn, xương máu anh em, đồng chí, đồng đội đã nằm lại nơi này, lúc nào ông cũng nhớ về họ.

Dù các liệt sĩ đều đã được công nhận, được quy tập tại nghĩa trang hay trở về bên gia đình nhưng ông vẫn muốn giữ các anh ở bên cạnh, để đồng đội được tề tựu một nơi, như đã từng một thời gian khó cùng chia nhau nắm cơm, chén nước, chung một manh chiếu, chiến hào.

Thời chiến trận hào hùng

Trong căn nhà vườn thoáng rộng và bình yên của mình tại xã Thuận Hòa (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), vị đại tá già ngày ngày hương khói cho 86 liệt sĩ, là những đồng đội bao năm đánh giặc Mỹ, giải phóng quê hương. Ông đã làm điều này cho đồng đội từ rất lâu rồi, nhưng ông không muốn kể ra, chỉ muốn giữ lại cho riêng mình. “Đó là bổn phận và trách nhiệm của tôi, vừa là đồng đội, vừa là chỉ huy của các anh. Tôi thương những người lính của mình và muốn được làm điều gì đó để bù đắp cho họ”, Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa tâm sự.

Nghỉ hưu, Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa về quê ở hẳn để tiện hương khói cho đồng đội.

Nghỉ hưu, Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa về quê ở hẳn để tiện hương khói cho đồng đội.

Nhắc đến đồng đội, hồi ức của Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa (tên thường gọi Ba Nghĩa) lại trở về thời chiến trận, khi ông là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng. Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa, sinh năm 1941 ở ấp Rạch, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Năm 1958, ông được giao nhiệm vụ là trưởng du kích mật của lực lượng an ninh (biệt động mật), có nhiệm vụ đưa đón cán bộ bằng xuồng ghe tại huyện Cầu Ngang và rải truyền đơn, tham gia phục kích địch bằng lựu đạn ở gần khu vực sân vận động xã Mỹ Hòa.

Năm 1962, một thành viên trong đội bị bắt đã khai ra Ba Nghĩa khiến ông bị lính ập vào nhà bắt, giải đi. Chúng nhốt ông vào một thùng container ở dinh huyện Cầu Ngang. Trong buồng giam, Ba Nghĩa gặp lại đồng đội của mình và thống nhất được lời khai là “được người ta mướn đi rải truyền đơn, với giá 50 đồng”. Tuy không tìm ra lý do nào khác để buộc tội Ba Nghĩa, địch vẫn bỏ tù ông 9 tháng giam cầm. Trong tù, Ba Nghĩa vẫn giữ được khí chất của người lính du kích, một lòng căm thù giặc, quyết chiến đấu đánh đuổi quân thù đang giày xéo quê hương. Tại chi bộ nhà lao, ông được kết nạp vào Đảng. Điều đó như tiếp thêm cho Ba Nghĩa ngọn lửa chiến đấu không mệt mỏi, cho đến ngày được trả tự do, ông tiếp tục cầm súng ra mặt trận.

Ba Nghĩa được cấp trên tin tưởng, giao cho nhiều trọng trách chỉ huy quan trọng. Trong một lần đi chống địch càn quét tại Cầu Ngang, Ba Nghĩa đã chỉ đạo anh em chiến sĩ trong đội của mình dàn trận và chốt chặn các ngả sau đó tổ chức tấn công khiến cho địch bất ngờ, hoảng sợ và bỏ chạy.

Quân ta phục kích đội bảo an của địch và bắt sống Bé Xạo, một tên có vai vế trong xã hội, theo kế hoạch của ta là sẽ tiêu diệt Bé Xạo. Tuy nhiên, Ba Nghĩa nhận định đây là con tin rất có lợi cho ta vì Bé Xạo có cha là Xa, đại diện xã Cồn Ngang cho chế độ cũ (tương đương chức chủ tịch xã bây giờ).

Ông Xa tuy làm đại diện cho địch nhưng rất có tình cảm với Ba Nghĩa và cách mạng. Khi nghe tin con mình bị bắt, ông Xa đã mời mẹ của Ba Nghĩa là má Tư về làm việc. Trong buổi gặp đó, ông Xa năn nỉ má Tư về nói Ba Nghĩa đừng giết con trai của ông ta.

Nắm được yếu tố này, Ba Nghĩa đã vận động tuyên truyền đường lối cách mạng cho ông Xa và Bé Xạo. Quả nhiên, không ngoài dự tính, với tư cách là đại diện xã, ông Xa đã cung cấp rất nhiều thông tin và tạo điều kiện cho Ba Nghĩa trong hoạt động cách mạng sau này. Ông Xa trở thành cơ sở tích cực cho cách mạng ngay trong lòng địch, nhờ đó mà mọi âm mưu, kế hoạch của địch, quân ta đều nắm rõ và có phương án đấu tranh hiệu quả.

Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa đã gắn bó và cống hiến cho lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh từ những ngày đầu giải phóng.

Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa đã gắn bó và cống hiến cho lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh từ những ngày đầu giải phóng.

Binh vận rèn quân

Năm 1969, Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa được giao phụ trách huyện Cầu Ngang, giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy và Chính ủy viên Huyện đội. Đầu năm 1970, Ba Nghĩa được điều về làm Phó Ban Binh vận tỉnh Trà Vinh, phụ trách vùng Trà Cú.

Nhìn từ phía Đông và phía Tây, vùng đất Trà Cú có địa hình trũng sâu và khá phức tạp. Ba Nghĩa được cơ sở giới thiệu vào nhà má Năm. Nhà chỉ cách đồn Sa Dăn vài trăm mét nên má nắm rất vững thông tin trong đồn. Vào thời điểm đó, đồn Sa Dăn có khoảng 30 tên lính. Chưa đánh vội vào đồn Sa Dăn mà Ba Nghĩa chỉ huy quân đánh vào đồn Tiểu Cần ở xa hơn rồi dùng chiến thuật “hù dọa”. Ông bắn tin cho chỉ huy đồn: “Nếu không giao đồn này cho cách mạng thì quân cách mạng sẽ đánh đồn và tiêu diệt không sót một ai”.

Nghe tin, địch trong đồn Sa Dăn hoảng loạn. Lợi dụng điều này, Ba Nghĩa đã sử dụng chính sách thuyết phục, vận động sư sãi và nhân dân trong vùng cùng “tấn công” tâm lý bọn chúng. Ông thuyết phục được cha của đồn trưởng khuyên con trai phải giao vũ khí cho cách mạng. Bằng mưu lược này, vài ngày sau, đồn trưởng Sa Dăn là Sia bắn tin ra ngoài “muốn gặp chỉ huy cách mạng”.

Ba Nghĩa dẫn theo cha của đồn trưởng vào thẳng đồn Sa Dăn giữa vòng vây lính tráng, súng ống lăm lăm sẵn sàng nhả đạn. Nhìn thấy cha, đồn trưởng Sia hạ lệnh cho lính buông súng và rút về phía sau. Ba Nghĩa đã ngồi nói chuyện với đồn trưởng một cách nghiêm túc và cứng rắn, ông phân tích: “Cách mạng dư sức đánh vào đồn vì đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng và vũ khí. Là quân giải phóng thì ai cũng sẵn sàng hy sinh vì quê hương đất nước, không ai sợ chết nên chắc chắn sẽ thắng. Nhưng, khi đánh vào đồn sẽ gây ra thương vong và chết chóc, nếu đồn trưởng chết thì vợ con anh sẽ rất khổ...”.

Nghe xong và ngồi lặng suy nghĩ, đồn trường lung lay tinh thần. Trở về đơn vị, Ba Nghĩa nhận định: “Đêm nay địch sẽ bỏ trốn” và lệnh cho đơn vị sẵn sàng phương án.

Quả nhiên, vào lúc 2 giờ sáng, có tiếng lùm bùm dưới ruộng, Ba Nghĩa phát loa thông báo: “Các anh đã bị bao vây, yêu cầu bỏ hết súng đạn và vũ khí xuống ruộng, từng người một đi bộ lên tay không, ai chống cự sẽ bị tiêu diệt”. Địch hoảng sợ, răm rắp làm theo. Lấy đồn địch không tốn một viên đạn nào, du kích còn thu được hơn 30 khẩu súng trường cùng nhiều vũ khí khác. Số địch buông vũ khí đã rút về đồn Tề Xã, một đồn nhỏ và chật chội cách đồn cũ một đoạn đường. Biết được điều này, Ba Nghĩa lại dùng chiêu tung “hỏa mù”. Ông nói đồn nhỏ lại đông quân, khi du kích đánh vào sẽ không còn chỗ trốn, lính sẽ bị triệt hạ hết. Nghe đến đây, khí thế chiến đấu của địch lung lay và bỏ chạy tán loạn, du kích đã giải phóng được đồn Tề Xã vào cuối năm 1970.

Cấp trên đã đánh giá rất cao khả năng chiến đấu cũng như binh vận của Ba Nghĩa và ông làm nhiệm vụ này rất thành công cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975. Tháng 8/1975, Ba Nghĩa về TP Hồ Chí Minh chuyển sang ngành Công an.

TP Hồ Chí Minh sau giải phóng, lực lượng Công an còn thiếu rất nhiều nên có chủ trương tuyển thêm quân, chủ yếu lấy từ bộ đội sang. Vốn là lực lượng cầm súng chiến đấu nên khi chuyển ngành, cán bộ mới đều không có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của công an nên phải đào tạo.

Đồng chí Huỳnh Trọng Nghĩa được cử về công tác tại trường Rạch Dừa (Bà Rịa - Vũng Tàu), đây là cơ sở đào tạo cấp tốc nghiệp vụ cho anh em công an mới tuyển dụng. Những người sau khi được đào tạo ở đây sẽ được chuyển về thành phố, bổ sung cho các đơn vị nghiệp vụ của công an các quận, huyện. Bằng kinh nghiệm thời lính chiến và sự mẫn cán trong công việc rèn quân, rèn người, Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa đào tạo nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ CAND, có đủ năng lực chuyên môn, đủ tài và đức phục vụ cho lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, lớn mạnh. Tháng 6/1976, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh rồi Trưởng Phòng Tổ chức. Năm 1998, Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho đến năm 2002 thì nghỉ hưu.

Cựu chiến binh Nguyễn Công Trung và ông Ba Nghĩa trước đền thờ liệt sĩ tại nhà của ông ở Trà Vinh.

Cựu chiến binh Nguyễn Công Trung và ông Ba Nghĩa trước đền thờ liệt sĩ tại nhà của ông ở Trà Vinh.

Tận nghĩa với đồng đội

Trong một lần đi công tác, cựu chiến binh Nguyễn Công Trung, trưởng đoàn thiện nguyện hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Trái tim người lính miền Tây” đã biết được câu chuyện lập đền thờ 86 liệt sĩ tại nhà của Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa và muốn được lan tỏa. Ông Trung chia sẻ: “Ông Ba Nghĩa cố gắng làm vì cái tâm của mình, không vì vật chất hay bất cứ điều gì khác, chỉ mong những người đã nằm xuống vì quê hương đất nước được đoàn tụ, được gần những người thân là mãn nguyện rồi”.

Và, cũng từ đó, ông Ba Nghĩa mới “mở lòng” mình ra chia sẻ về việc mình đã làm cho anh linh liệt sĩ. Có nhiều lời khen ngợi ca tụng dành cho ông, nhưng ông chỉ xua tay: “Tôi thấy mình may mắn, dù bị thương nhiều lần nhưng vẫn được sống trở về với gia đình, vợ con, trong khi nhiều đồng đội của mình đã nằm lại trên chính mảnh đất quê hương. Tôi đã quy tập được 86 liệt sĩ, là đồng đội trong đơn vị năm xưa, những người lính quê ở xã Mỹ Hòa và thị trấn Cầu Ngang hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1960-1975”. Ông chọn mảnh đất nơi đơn vị đóng quân năm xưa làm ngôi nhà chung của liệt sĩ, ai cũng có tên tuổi đàng hoàng trên tấm bia tưởng nhớ tri ân. Dù bận nhiều việc nhưng ông luôn trở về để thắp hương và cúng giỗ cho đồng đội.

Công việc cứ cuốn ông đi mải miết, để rồi thoáng chốc tóc xanh đã nhuộm trắng màu thời gian. Một lần mệt mỏi nằm tựa vào chiếc giường ở đơn vị, ông đã thiếp đi và bắt gặp một đồng đội chiến đấu năm xưa. Họ gọi ông: “Dậy đi, anh Ba ơi, về thôi, về với tụi em”. Đó chỉ là giấc mơ, nhưng ông biết rằng, ở đâu đó đồng đội vẫn đang nhắc nhớ mình trở về. Ông giữ lời hứa, sau khi nghỉ hưu đã trở về quê nhà Trà Vinh, nơi mảnh vườn có đền thờ 86 liệt sĩ để ngày ngày hương khói, thờ tự, cúng cơm cho đồng đội. Suốt bao nhiêu năm, Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa làm việc này một cách âm thầm, lặng lẽ. Ông làm vì cho rằng, đây là bổn phận và trách nhiệm của mình. “Còn sức sẽ tiếp tục làm công việc này, tôi xem anh em như người thân, đã từng có những ngày tháng sát cánh cùng nhau ở chiến trường miền Tây Nam Bộ. Những năm tháng đó có lúc hào hùng, có cả thương đau. Tôi may mắn về được, còn những anh em đã ngã xuống ở chiến trường khiến tôi rất nặng lòng, thương xót”, Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm