Kinh tế

Nông nghiệp

Tân Sơn "về đích" nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngày 28-11 vừa qua, xã Tân Sơn (TP. Pleiku) đã “về đích” nông thôn mới.

 
 Làm đường giao thông nông thôn tại làng Tiêng 2, xã Tân Sơn Ảnh: T.N
Làm đường giao thông nông thôn tại làng Tiêng 2, xã Tân Sơn. Ảnh: T.N

Ngay khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Tân Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban. Đồng thời, UBND xã Tân Sơn cũng thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới, Ban Giám sát xây dựng nông thôn mới của xã. Hàng năm, Đảng ủy, UBND xã thường xuyên củng cố, kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Ban Giám sát xây dựng nông thôn mới của xã nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Căn cứ các văn bản hướng dẫn của cấp trên và thực trạng các tiêu chí của địa phương, hàng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Tân Sơn đều xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, xác định rõ những việc làm cụ thể trong năm để từ đó huy động sự hưởng ứng của nhân dân địa phương và các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cùng chung tay, góp sức xây dựng Tân Sơn trở thành xã nông thôn mới. Trong giai đoạn 2011-2016, xã đã tổ chức 43 đợt tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho 3.250 lượt người dân trên địa bàn; triển khai đề án và lộ trình xây dựng nông thôn mới hàng năm; các kế hoạch giảm nghèo, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tập trung vào các cây trồng dài ngày có hiệu quả kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu; huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng như làm nhà ở kiên cố, tường rào, công trình phụ khép kín đảm bảo hợp vệ sinh; phát quang đường làng, ngõ xóm …

 

Xã Tân Sơn hiện có 1.350 hộ với 5.269 nhân khẩu ở 7 thôn, làng; trong đó có 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng bộ xã có 76 đảng viên sinh hoạt tại 11 chi bộ. Hiện xã có 85 hộ nghèo, chiếm 6,3% tổng số hộ.

Trong giai đoạn 2011-2016, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Sơn là trên 104,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là hơn 19,4 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 77,6 tỷ đồng;  vốn tín dụng, doanh nghiệp là hơn 7 tỷ đồng; vốn từ các nguồn tài trợ khác là 407 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn này, cộng với sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, ngày 28-11 vừa qua, Tân Sơn đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Phạm Phụng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Sơn, cho biết: Về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương, chúng tôi hoàn thành theo đúng tiến độ mà Nghị quyết Đảng bộ thành phố đề ra. Trong 19 tiêu chí đạt được, nổi bật nhất là tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn. Để hoàn thành tiêu chí này, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo và phân công cán bộ trực tiếp đến các thôn làng, nhất là các làng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng. Thực tình mà nói, việc vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp tiền khá khó khăn. Vì vậy, thay vì đóng tiền, chúng tôi vận động bà con đóng góp bằng ngày công lao động, cùng tham gia làm đường. Bên cạnh đó, địa phương còn được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 với hơn 350 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Sơn, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa; 79% đường trục thôn, xóm đã được cứng hóa; 67,8% đường ngõ, hẻm đã được cứng hóa, trên địa bàn hiện không có đường lầy lội vào mùa mưa.  

 Thúy Ngân

Có thể bạn quan tâm