Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tản văn: Vị rau của rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời điểm này những tỉnh Tây Nguyên đã vào mùa mưa được mấy tháng, mùa mưa cũng là mùa sinh sôi của các loại rau rừng. Loại rau này không cần chăm bón, tưới tắm từ bàn tay của người trồng mà cứ tự nhiên mọc xanh mơn mởn, là món quà mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đại ngàn Tây Nguyên.
 


Mẹ tôi kể ngày xưa cách đây hơn 20 năm, khi mới chân ướt chân ráo từ ngoài Bắc chuyển vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới, đời sống lúc ấy vô cùng khó khăn, bấy giờ chỉ có lạc rang muối, nước mắm chan cơm ăn qua ngày. Nhưng may mắn nhờ món quà mà mẹ thiên nhiên ban tặng nên bữa nào cũng có một đĩa rau rừng đặt trên mâm cơm. Ngày ấy, các gia đình sống hòa thuận, gia đình người đồng bào thiểu số có món ngon, họ đều mang đến nhà để chia sẻ, hôm thì con cá câu dưới suối mang về, hôm thì quả bí đỏ, vài bắp ngô, hay mấy mớ rau rừng mới hái vẫn còn tươi nguyên. Ngày ấy chẳng phân biệt người cũ, người mới, con người cứ thế nương vào nhau mà sống, thế rồi khó khăn nào cũng qua đi.
 

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu


Nhớ bữa cơm nhà, tôi gọi điện về mâm cơm nhà có còn đĩa rau rừng. Tôi hỏi là hỏi như thế thôi, chứ tôi biết dạo này trên mâm cơm cũng đã thiếu đi vài món rau rừng. Lý do là vì mấy năm nay, đất đai được mở rộng để làm đất nông nghiệp, thế rồi những cánh rừng cũng thưa thớt đi nhiều. Gia đình tôi muốn ăn rau rừng từ chính tay mẹ hái thì phải đi xa, vào sâu trong rừng mới mong hái được. Còn ở chợ chiều cũng bán một số loại rau rừng. Nhưng có vài loại rau phải mang về vườn nhà trồng xong nhân giống, chăm bón rồi mang ra bán chứ giờ đi vào rừng tìm được rau như vậy cũng khó rồi. Thôi thì nhờ vậy mà mọi người mới luôn có rau rừng để ăn, rồi người trồng rau cũng đỡ đần được gia đình một phần kinh tế nhờ giống rau rừng.

Nhắc đến món rau rừng tôi yêu thích thì không thể nào bỏ qua món rau dớn xào tỏi, đơn giản vì món này dễ chế biến, lúc ăn cảm nhận rõ vị nguyên sơ của rau dớn khi chưa kết hợp với bất kỳ một loại thực phẩm nào, cọng rau vừa xào tới dai giòn sần sật, có vị hơi chua ở đầu lưỡi, nuốt xuống cổ họng lại có vị ngọt ngọt. Tôi nhớ có những bữa ăn ở nhà, chỉ ăn độc rau dớn với cơm trắng mà cũng tốn chẳng kém gì sơn hào hải vị. Đợt vừa rồi mẹ tôi cũng đóng một thùng đầy thức ăn, kèm theo mấy bó rau rừng để gửi vào thành phố tiếp tế lương thực cho con gái. Mẹ gọi vào thủ thỉ nói chia cho mọi người ở trong dãy trọ cùng ăn, sẵn tiện giới thiệu về món rau rừng Tây Nguyên mà mẹ đích thân đội mưa vào rừng hái, nghe mẹ kể mà thương không sao kể hết.

Rồi dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua đi để trả lại nhịp sống nhộn nhịp cho thành phố này. Tôi sẽ lại được tự do trên đôi chân này, trở về bên mái nhà của mẹ, cùng gia đình ngồi bên mâm cơm có đầy đủ hương vị của núi rừng, đại ngàn Tây Nguyên.

Theo THÚY NGA (baodaknong)

Có thể bạn quan tâm