Bạn đọc

Tăng cường các biện pháp phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em trong dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành văn bản số 174/UBND-KGVX về việc tăng cường các biện pháp phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em và của UBND tỉnh về công tác bảo đảm môi trường an toàn, phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh; các hội, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư; giáo dục, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ bị tai nạn, thương tích, đặc biệt trong những dịp lễ, Tết, những ngày nghỉ trẻ em không đến trường.

Tai nạn thương tích ở trẻ thường gia tăng trong dịp Tết, vì vậy các gia đình cần chủ động phòng-chống tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ảnh: Như Nguyện

Tai nạn thương tích ở trẻ thường gia tăng trong dịp Tết, vì vậy các gia đình cần chủ động phòng-chống tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ảnh: Như Nguyện

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng-chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn, đặc biệt cho trẻ em, ở các công trình xây dựng, các công trình công cộng, phương tiện giao thông, các địa điểm và thiết bị vui chơi dành cho trẻ em. Có trách nhiệm làm rõ, truy cứu trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc tai nạn, thương tích, đặc biệt các trường hợp có trẻ em tử vong.

Bên cạnh đó, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền về chỉ đạo các biện pháp xử lý, cứu hộ, cứu nạn khi có vụ việc tai nạn, thương tích liên quan trẻ em xảy ra; thực hiện công tác hỗ trợ, động viên các gia đình có trẻ em bị tai nạn, thương tích; rà soát, làm rõ nguyên nhân, rút bài học để tạo lập môi trường an toàn, phòng-chống và sẵn sàng ứng phó tai nạn, thương tích cho mọi người, đặc biệt cho trẻ em.

Rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực nguy hiểm có nguy cơ gây tai nạn, thương tích để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em như làm rào chắn, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới. Tiếp tục hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Đối với các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em tại các cấp, các ngành; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực, phương tiện, thiết bị có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ thẩm quyền quản lý có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên và phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành của tỉnh, các tổ chức đoàn thể liên quan triển khai các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh.

LỆ HẰNG

Có thể bạn quan tâm