TN - Đất & Người

Tăng cường các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban An toàn Giao thông tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II-2017.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: M.N



Báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh cho thấy, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn trong quý I-2017 tăng cả 3 tiêu chí. Theo đó, toàn tỉnh xảy ra 47 vụ TNGT, làm chết 50 người, bị thương 42 người. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 9 vụ, 9 người chết và 21 người bị thương. Trong đó, 9 địa phương có số người chết tăng trên 20% gồm: Đak Đoa, Ayun Pa, Ia Pa, An Khê, Mang Yang, Krông Pa, Kbang, Chư Prông và Chư Pưh. Các vụ TNGT chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ (chiếm 65,96%), với những lỗi vi phạm như: đi sai làn đường, lấn đường; không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ; tránh vượt sai quy định...

Trong quý I-2017, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản hơn 16.000 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 14.000 trường hợp phạt tiền gần 9 tỷ đồng; tạm giữ 4.000 phương tiện, tước 1.000 giấy phép lái xe. Riêng chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, đã phát hiện xử lý 784 trường hợp vi phạm, xử phạt 551 trường hợp, phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông-Vận tải) cũng phát hiện 80 xe vi phạm tải trọng, phạt tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Tổng số tiền thu phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong quý I trên 11,3 tỷ đồng.


 

Đại diện Sở Giáo dục-Đào tạo đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý các phương tiện đưa đón học sinh. Ảnh: M.N



Tại hội nghị, Trưởng ban An toàn Giao thông tỉnh Võ Ngọc Thành đặt ra nhiều câu hỏi: Nguyên nhân căn cơ do đâu, tại sao tình hình TNGT tăng nhanh; Công tác chỉ đạo, tuyên truyền giáo dục, công tác tuần tra kiểm soát và sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể như thế nào? Tình trạng các xe đưa đón học sinh chưa được kiểm tra, kiểm soát về phương tiện, người điều khiển trong khi hiểm họa, nguy cơ tiềm ẩn về TNGT từ các loại phương tiện này rất cao.

Đại diện Ban An toàn Giao thông các huyện như: Chư Sê, Đak Đoa, thị xã Ayun Pa, Chư Pưh; các Sở Giao thông-Vận tải, Giáo dục-Đào tạo; Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cùng tham gia phân tích nguyên nhân, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nỗ lực kéo giảm TNGT trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT. Đặc biệt, các sở ngành, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý các phương tiện đưa đón học sinh; kiểm soát xe quá tải, quá khổ; quản lý việc sản xuất, lắp ráp xe độ chế.

 


Kết luận hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban An toàn Giao thông tỉnh cho rằng: Các ban ngành, đoàn thể chưa tham gia đến nơi, đến chốn, sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa thật sự đồng bộ. Do đó, các giải pháp kéo giảm TNGT còn nửa vời, đặc biệt là ở các chính quyền cơ sở. Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong việc kiểm soát, xử lý các phương tiện vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, Trưởng ban An toàn Giao thông tỉnh cũng đề nghị Sở Giao thông-Vận tải thực hiện việc tổng điều tra, rà soát các phương tiện đưa đón học sinh; kiên quyết xử lý xe độ chế không đủ điều kiện tham gia giao thông.

Công tác tuyên truyền phải đưa lên hàng đầu, đặc biệt là các giải pháp quản lý, giáo dục và răn đe các đối tượng thanh-thiếu niên càn quấy, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu. Các địa phương dùng một phần kinh phí để lắp đặt camera tại một số tuyến đường trọng điểm, vừa tăng cường xử lý nguội các phương tiện vi phạm, vừa kiểm soát tình hình an ninh trật.

Ngoài ra, các địa phương có tình hình TNGT tăng trong quý I-2017 cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đồng thời nhanh chóng đưa ra các giải pháp cụ thể, quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông trong thời gian tới.

 Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm