Sức khỏe

Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 17-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đã ký Công điện số 03/CĐ-UBND gửi các sở, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác phòng-chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Ngày 17-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đã ký Công điện số 03/CĐ-UBND gửi các sở, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác phòng-chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng-chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 568/KH-UBND ngày 25/3/2022 về phòng-chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030.

Tiêm vắc xin phòng dại cho chó. Ảnh internet

Tiêm vắc xin phòng dại cho chó. Ảnh internet

Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bổ sung, xây dựng, phê duyệt kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng-chống bệnh dại tại địa phương; bố trí kinh phí và vận động người dân chủ động mua vắc xin dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70% tổng đàn thuộc diện tiêm trong năm 2023. Khi có dịch bệnh dại xảy ra, các địa phương tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin dại cho chó, mèo bảo đảm đạt 80% tổng đàn trở lên.

Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện hướng dẫn các hộ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo với chính quyền cấp xã, thực hiện nuôi chó, mèo phải nhốt trong khuôn viên gia đình, khi đưa ra ngoài phải được xích rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi chó, mèo chủ động mua vắc xin tiêm phòng cho chó, mèo nuôi; vận động người dân nhốt và khai báo khi phát hiện chó, mèo nuôi có biểu hiện bất thường (cào, cắn người...). Khi bị chó, mèo cào, cắn cần chủ động đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn về phòng bệnh dại trên người.

Nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại cấp xã; đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư. Tổ chức rà soát, quản lý chó, mèo nuôi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng-chống bệnh dại theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 và Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3-1-2020 của Chính phủ.

Triển khai truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng và quản lý chó nuôi. Tập trung chỉ đạo triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 1 năm 2023 do tỉnh phát động để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các giải pháp quản lý đàn chó nuôi; tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo; giám sát, phát hiện sớm và xử lý khẩn cấp đối với các ổ bệnh dại trên động vật; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại động vật cấp huyện, cấp xã.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố: thường xuyên giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp động vật mắc, nghi mắc bệnh dại; điều tra, ứng phó, xử lý ổ bệnh dại; tổ chức phòng-chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thú y và các văn bản dưới Luật. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh trong việc hướng dẫn điều tra dịch tễ, xử lý ổ bệnh dại khi phát hiện có trường hợp người mắc bệnh dại do chó, mèo cào, cắn. Tổng hợp, tham mưu báo cáo kết quả công tác phòng-chống bệnh dại động vật theo quy định.

Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó, mèo cào, cắn, có nguy cơ nhiễm bệnh dại nhưng chưa được tiêm vắc xin phải được điều trị dự phòng; giám sát bệnh dại trên người; tăng cường năng lực xét nghiệm chủ động trên người. Thường xuyên chia sẻ thông tin các trường hợp người bị chó, mèo cào, cắn và các trường hợp người tử vong do bệnh dại với Sở Nông nghiệp và PTNT để phối hợp xử lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn phòng-chống bệnh dại trong học đường.

Được biết, Gia Lai có tổng đàn chó lớn, tuy nhiên công tác quản lý chó nuôi còn lỏng lẻo, người nuôi chó không chấp hành tốt các quy định pháp luật (chủ yếu nuôi theo hình thức thả rông; không có chuồng nuôi, xích dây, rọ mõm.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 5 trường hợp người tử vong do bệnh dại và 3 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 3 trường hợp người tử vong do bệnh dại (tại các huyện Kông Chro, Đức Cơ, Chư Sê). Nguy cơ cao dịch bệnh dại xảy ra trong điều kiện thời tiết chuyển hè nắng nóng.

Có thể bạn quan tâm