Kinh tế

Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù số thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.501 tỷ đồng, bằng 59,9% dự toán Trung ương giao và 55,6% dự toán HĐND tỉnh giao, song trong điều kiện hiện nay, dự báo tình hình thu NSNN vẫn còn nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Do đó, việc tăng cường công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả luôn được đặt ra.

Nhằm đảm bảo sự chủ động trong điều hành nhiệm vụ thu, chi trong tình hình mới, UBND tỉnh đã triển khai đến các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị dự toán ngân sách thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2015 và Công văn số 5652 của Bộ Tài chính về việc xác định số chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 tạm giữ lại.

 

 

Công tác phân bổ, quản lý điều hành chi phải chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, gắn với hiệu quả công việc trên cơ sở tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, chống lãng phí cả trong chi thường xuyên và đầu tư. Các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công và quy định về quản lý vốn đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ.
 

Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 47,7% dự toán Trung ương giao và bằng 46,1% dự toán HĐND tỉnh giao, cao hơn 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế còn đang khó khăn, phải thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, khởi công, khánh thành công trình… Trong đó, chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, cấp bách; thực hiện nghiêm quy định không mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, thực hiện tạm giữ lại tại Kho bạc Nhà nước 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách.  

Tập trung rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện các chính sách, chế độ, chương trình, dự án để điều chỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh các chính sách, chế độ còn chồng chéo, trùng lặp, không hiệu quả; không đề xuất bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN mà không có nguồn đảm bảo. Kiên quyết dừng triển khai và thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách các cấp đối với kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán đầu năm của các đơn vị dự toán và địa phương nhưng đến ngày 30-6-2015 chưa phân bổ, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa đấu thầu, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật và trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện đối với các khoản chi thật sự cần thiết…

Công tác điều hành ngân sách phải chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp và tổ chức điều hành chi NSNN theo nguyên tắc quản lý chặt chẽ. Trước mắt, điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí trong dự toán của từng cấp để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, 50% nguồn dự phòng ngân sách còn lại tạm giữ lại để xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi NSNN trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, từ đó mới đảm bảo được tiến độ chi phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm