(GLO)- Chú trọng tuyên truyền và tăng cường công tác thanh-kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) là nhiệm vụ được ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai quan tâm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 1.244 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, trong đó, 363 cơ sở giống cây trồng; 558 cơ sở buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 32 cơ sở giống vật nuôi; 93 cơ sở thuốc thú y và 198 cơ sở thức ăn chăn nuôi. Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về VTNN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về VTNN.
Đoàn liên ngành kiểm tra các vườn ươm giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lê Nam |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành và địa phương đã chủ động tăng cường các giải pháp, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được chú trọng. Thông qua các hình thức như: hội thảo, hội nghị, phát tờ rơi hướng dẫn; tuyên truyền trực tiếp tại các đợt thanh tra, kiểm tra… đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng VTNN. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 56 lớp tập huấn quản lý nhà nước về VTNN cho 1.755 tổ chức, cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Tú-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật-cho biết: Thông qua các lớp tập huấn đã tuyên truyền các văn bản quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, chăn nuôi và thú y an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh trong từng lĩnh vực. Đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa hiểu và nắm bắt được các quy định của pháp luật về các điều kiện quy định khi sản xuất, kinh doanh VTNN và các chế tài xử lý khi vi phạm.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN vi phạm cũng được chú trọng triển khai. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 797 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN. Qua kiểm tra có 308 cơ sở vi phạm với các lỗi về nhãn mác hàng hóa, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; bán thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng không công bố tiêu chuẩn, hợp chuẩn hoặc chưa kiểm định theo quy định pháp luật. Lực lượng chức năng đã xử phạt 216 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 546 triệu đồng, tịch thu 400 chai phân bón lá, 260 kg phân bón loại, 32 chai và 54 bì thuốc bảo vệ thực vật các loại, nhắc nhở 92 cơ sở.
Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tú cho biết thêm: Nhìn chung ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh tương đối nghiêm túc. Qua việc đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và thực hiện ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, buôn bán VTNN và các đợt tập huấn, thanh tra, kiểm tra đã từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, giảm thiểu những thiệt hại cho người dùng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tú, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc gây khó khăn trong công tác quản lý, như: sản xuất kinh doanh giống cây trồng nhỏ lẻ, gieo ươm, mua bán theo thời vụ; công tác phối hợp thanh-kiểm tra giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; phân cấp còn bất cập… “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn và rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh VTNN để quản lý. Đồng thời, tăng cường công tác thanh-kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh VTNN không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng theo đúng quy định pháp luật”-ông Tú nói.
Lê Nam