Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tặng nhau một chút ấm nồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khương, cậu em bộ đội, gửi từ Bắc vào tấm chăn tặng chị. Chẳng vì một dịp đặc biệt nào cả, hoặc vì mùa đông đã đến. Sài Gòn không có mùa đông nhưng cũng có một khoảng thời gian lao xao se se nửa đêm đến sáng từ cuối tháng 11 đến qua Noel. Đó là khi đất trời cũng lành lạnh như gọi nỗi nhớ mùa đông theo về.

 
Tấm chăn của Khương khiến tôi thấy dịu dàng quá thể. Em là người tôi quen trong đợt bùng dịch thứ 4, khi Khương cùng đồng đội vào tham gia chống dịch thời điểm thành phố đang đầy cam go. Tình hình dịch ổn, những đoàn quân y quay về công tác, học tập, cậu em cũng quay về học năm cuối. Hẳn em còn nhớ những tình cảm thân thương mà các anh chị ở thành phố phương Nam dành cho mình, nên trong túi quà của Khương có cả những hộp lương khô, tấm chăn bộ đội, vài ba món quà “độc” mà các anh chị không gặp bên ngoài. 
Tấm chăn - quà của mùa đông mà Khương gửi, nó không chỉ dịu dàng vì đã lâu tôi không nhận quà trong một ngày bình thường. Tấm chăn ấy mang theo những ấm áp ân tình còn vì quà của em khiến tôi quý trọng hơn khi đến từ một mối quan hệ mà thông thường nhiều người thấy không cần phải bận tâm... 
 * * *  
Tôi nhớ tới một thùng quà của bố gửi về từ nước Đức. Đó là những tấm áo nỉ có sắc màu cầu vồng đủ các kích cỡ dành cho mấy mẹ con. Thực ra, bố gửi về một món hàng gia dụng gì đó, như những nhà có người đi xuất khẩu lao động khác vẫn thường gửi quà về cho người nhà, đem dùng, đem bán để nuôi con. Đến giờ, kỳ thực tôi không nhớ nổi món hàng có giá trị ấy là món gì, nhưng nhớ hoài sắc màu tấm áo. 
Tấm áo có hai cái túi hai bên, là nơi tôi vẫn thường cất dành những mẩu quế be bé. Mỗi buổi sáng mùa đông dì tôi vẫn thường cho một nhúm quế ăn cho ấm bụng, thi thoảng móc chia bạn bè cùng ăn, hoặc một mình nhấm nháp vị cay nồng suốt con đường đi học như một món quà vặt. Hương quế bịn rịn trong từng lớp vải, cả khi đã hết sạch rồi.
Tôi mặc chiếc áo đó từ khi nó rộng thùng thình, dài gần tới đầu gối, cho tới tận vài năm sau, nhổ giò, áo chỉ chớm đến hông. Về sau, chiếc áo xếp gọn lại, gửi về quê tặng những đứa trẻ nghèo ở quê nội. Có dịp tết về, trông thấy cô bé em họ xa mặc tấm áo ấy đi học trong một buổi sáng mù sương, bỗng muốn hỏi em rằng, em có cất thanh quế nhỏ nào trong túi áo không mà hương quế vẫn còn loanh quanh đâu đó.
* * *
Một người bạn hỏi tôi còn hay đốt tinh dầu vào mỗi sáng mùa đông không? Câu hỏi ấy và cả chai tinh dầu sả chanh nho nhỏ bạn tặng tôi trong buổi cà phê đầu đông đều là món quà thật ấm trong ngày Sài Gòn trở gió. Trong câu chuyện vu vơ nào đó với bạn, bạn và tôi cùng kể với nhau về sở thích đốt tinh dầu vào những ngày gió lạnh về…
Bạn tôi nhớ sở thích chung bé nhỏ ấy. Để rồi, khi tạm biệt, đi ngang qua tòa Tổng giám mục Sài Gòn, nhìn những ngôi sao, chân nến trang hoàng đợi Noel đong đưa trong gió, tôi nghe cả những tiếng chuông ngân đầy vui vẻ, an lành theo gió hát trong lòng mình; và bên vệ đường, những chiếc lá rụng mang theo mùi thơm dịu dàng của chút nhựa khô sót lại càng thêm phần ấm cúng.
Là mùa đông, đã về thật rồi, khi những sáng mai trời Sài Gòn trở gió. Là mùa đông với những món quà trao đi yêu thương, gọi về những ấm cúng. Sáng mai này, bạn có nghe không, trong gió đông thì thầm những lời ấm áp? 
KHÔI NGUYÊN THẢO (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm