Báo cáo Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng tài sản công năm 2021 của Bộ Tài chính cho thấy, tới nay, thông qua các nguồn thu từ khai thác, xử lý tài sản công, nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất năm 2021 đã cho số thu từ đất đạt gần 200 nghìn tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước trong điều kiện hiện nay, và hoạt động quản lý tài sản công đã tạo ra nguồn thu từ nhà, đất hằng năm chiếm khoảng 12% tổng thu hằng năm.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 29.564 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan Trung ương. Đây là hoạt động quản lý nhằm bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi sắp xếp lại, đồng thời xử lý kịp thời trụ sở, tài sản khác dôi dư, tránh thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước. Cơ quan quản lý xác lập rõ việc giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu, từng bước nắm chắc, đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của tài sản công; tạo ra cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp...
Việc số thu từ quản lý tài sản công chiếm tới 12% tổng thu ngân sách nhà nước đã cho thấy, trong điều kiện dịch Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi và dễ bị tổn thương thì việc tìm nguồn thu còn dư địa là một hướng đi đúng của ngành tài chính. Điều này thể hiện rõ vai trò điều tiết của Nhà nước thông qua các cơ quan chức năng. Muốn nâng cao tỷ lệ quản lý ngân sách thông qua quản lý tài sản công, việc cần làm là khắc chế hiệu quả những hạn chế, bất cập của công tác này. Đơn cử, một số loại tài sản thuộc lĩnh vực chuyên ngành còn thiếu các văn bản để điều chỉnh làm cơ sở tổ chức thực hiện như: hạ tầng cấp nước sạch, hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, hạ tầng kỹ thuật… Bên cạnh đó, cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn có điểm chưa phù hợp, nhất là cơ chế phân cấp thẩm quyền trong việc quyết định bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thu hồi nhà, đất của các cơ quan Trung ương. Trong đó việc sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết; mua sắm tài sản công tại một số bộ, địa phương phải có ý kiến thẩm định, thỏa thuận của cơ quan chức năng, dẫn tới thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, chưa bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đặt trọng tâm công tác quản lý tài sản công vào việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết; đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công; hướng dẫn xử lý các vấn đề về trưng mua, trưng dụng tài sản, tiếp nhận tài sản cho tặng để phục vụ công tác phòng, chống dịch; chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công... Đáng lưu ý, Bộ Tài chính chú trọng thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước..., đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả. Đây đều là những lĩnh vực còn tiềm năng thu, góp phần bảo đảm cân đối ngân sách của các cấp chính quyền địa phương cũng như tổng thu ngân sách nhà nước.
Theo SÔNG TRÀ (NDĐT)