Kinh tế

Nông nghiệp

Tạo đà sản phẩm OCOP vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 1 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh Gia Lai có 42 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ gia đình được công nhận đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Đây là bước khởi đầu thuận lợi để các địa phương tiếp tục lựa chọn những sản phẩm khác đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã, chỉ dẫn địa lý trong năm 2020.

 

Khởi đầu thuận lợi

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh có 47 sản phẩm của 32 đơn vị (9 HTX, 11 doanh nghiệp và 12 hộ gia đình) đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Sau 1 năm thực hiện, Hội đồng đánh giá, phân hạng các huyện và tỉnh lựa chọn chấm điểm từng sản phẩm. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã công nhận 42 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm tham gia chương trình rất phong phú và đa dạng về mẫu mã, được thị trường tiêu thụ đánh giá cao về chất lượng như: cà phê bột, hồ tiêu, hạt điều, thịt bò khô, chanh dây, khoai lang, tinh bột nghệ, sầu riêng, hạt mắc ca, mật ong…

 Sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp Hữu cơ an toàn FAOS (huyện Chư Pưh). Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp Hữu cơ an toàn FAOS (huyện Chư Pưh, Gia Lai). Ảnh: Nguyễn Diệp



Ông Nguyễn Viết Bình-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết: “Năm 2019, sản phẩm sầu riêng hữu cơ của HTX được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. Đây là động lực khích lệ các thành viên HTX tiếp tục đăng ký thêm 2 sản phẩm mới là mít Thái và quả na sản xuất theo tiêu chuẩn hướng hữu cơ tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Không những vậy, HTX đang tích cực đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng để được công nhận đạt 4 sao cấp tỉnh trong năm nay”. 

Tạo đà cho sản phẩm đặc trưng vươn xa

Việc UBND tỉnh công nhận 42 sản phẩm OCOP cho thấy chương trình này đã bước đầu phát huy hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo tiền đề trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, mang lại hiệu ứng tích cực khi hiện nay đã có 16/17 huyện, thị xã, thành phố đăng ký tham gia OCOP năm 2020 với 50 sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để đầu tư mẫu mã, nâng cao chất lượng.

 

Sản phẩm tiêu sấy hồng ngoại Trần Sơn (huyện Đak Đoa) đạt 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: N.D
Sản phẩm tiêu sấy hồng ngoại Trần Sơn (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đạt 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: N.D


Nguồn vốn để thực hiện Chương trình OCOP trong năm 2020 là hơn 17,2 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ cho các địa phương và sở, ngành liên quan để hỗ trợ phát triển 92 sản phẩm gồm 42 sản phẩm được công nhận năm 2019 và 50 sản phẩm đăng ký tham gia năm 2020.

 

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: “Năm 2019, huyện có 6 sản phẩm tham gia OCOP. Trong số này, có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Đây là bước tạo đà quan trọng để huyện đăng ký thêm 6 sản phẩm tham gia OCOP năm 2020. Hiện nay, huyện đang vận động các doanh nghiệp, HTX, cơ sở và hộ gia đình đăng ký sản phẩm để đầu tư đánh giá, phân hạng. Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng sẽ tham mưu giúp UBND huyện mời chuyên gia tư vấn OCOP Trung ương về hướng dẫn, tập huấn để nâng tầm sản phẩm đặc trưng của địa phương”.

Tương tự, trong 2 năm (2019-2020), huyện Chư Pưh đăng ký 14 sản phẩm tham gia OCOP, đến nay đã có 4 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. Huyện đang rà soát, lựa chọn 10 sản phẩm đặc trưng để đầu tư trong năm 2020. Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho hay: Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm nay, ngoài ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng, huyện hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp, HTX, tổ chức cá nhân có sản phẩm tham gia OCOP. Đồng thời, huyện đã chủ động mời chuyên gia OCOP Trung ương về tư vấn, tập huấn cho các đơn vị và hộ gia đình có sản phẩm tham gia OCOP năm nay. 

 Trao đổi với P.V, ông Y Nguyên-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn-cho biết: Sau 1 năm triển khai, Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả khả quan. Đây là tiền đề để trong năm 2020, các địa phương tập trung hướng dẫn, hỗ trợ định mức chi tiết cho các sản phẩm khi tham gia chương trình. “Hiện nay, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát 42 sản phẩm đã được chứng nhận đạt OCOP cấp tỉnh để tìm đầu ra tốt hơn; tìm kiếm các ý tưởng của người dân về những sản phẩm mới để tham gia OCOP. Đặc biệt, trong năm nay, chúng tôi tuyên truyền, vận động các HTX nông nghiệp tích cực tham gia OCOP, đẩy mạnh thực hiện mối liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các doanh nghiệp, HTX với người dân để sản phẩm có đầu ra ổn định… tạo động lực nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP trong những năm tới”-ông Nguyên nhấn mạnh.

 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm