Thời sự - Bình luận

Tạo dư địa giảm giá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Xăng dầu trong nước vừa có đợt giảm giá thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đi xuống và thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này cũng giảm xuống mức sàn.

Sau phiên giảm giá gần nhất ngày 21-7, xăng RON 95 còn 26.070 đồng/lít, xăng E5RON92 còn 25.070 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giá này vẫn tương đương "đỉnh" lịch sử từng được thiết lập vào tháng 7-2013, cao hơn "đỉnh" của năm 2021.

Chính phủ đang triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhằm nhanh chóng vực dậy mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh sau khoảng 2 năm chống chọi với dịch Covid-19. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) và người dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn trước diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, nhất là tình hình giá năng lượng, nguyên vật liệu leo thang.

Trước 3 đợt giảm gần đây, giá xăng dầu trong nước không ngừng tăng từ cuối năm ngoái, cho thấy trong điều hành và thực hiện các mục tiêu đã có sự bất nhất. DN cần nguồn lực để hồi phục, phát triển nhưng giá xăng dầu tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí khác bị đội lên khiến nguồn lực cũng như động lực ngày càng bị vắt kiệt.

Vậy, giải pháp nào để điều hành giá xăng dầu một cách căn cơ?

Cần xác định giá xăng dầu trong nước phải được điều hành theo tín hiệu thị trường thế giới nhưng đặt trong điều kiện cụ thể của đất nước. Nếu thấy giá bán lẻ cao ở mức bất hợp lý, cần có sự can thiệp nhanh, mạnh từ phía nhà nước. Mặc dù thuế bảo vệ môi trường đã giảm xuống mức sàn song trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, tỉ trọng thuế, phí vẫn còn rất cao và có thể giảm thêm xuống mức thấp nhất có thể, trong đó có thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần đề nghị DN xăng dầu chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế bằng việc tiết giảm chi phí hoạt động và xem xét giảm lợi nhuận định mức cố định trong cơ cấu giá mặt hàng này. Cùng với đó, cơ quan điều hành giá chưa nên ưu tiên trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức cao nhằm tạo điều kiện giảm giá mặt hàng này nhiều hơn, từ đó tạo dư địa mạnh để hạ nhiệt giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

Không ít ý kiến cho rằng khi giá xăng dầu tăng cao, hàng hóa và dịch vụ đã xác lập mặt bằng giá mới trên thị trường; không thể mong chờ giảm bởi thông thường xưa nay là giá chỉ lên mà ít khi xuống. Điều này có thể không đúng với thực tế nền kinh tế hiện nay. Tích lũy của người dân đã giảm đáng kể sau 2 năm dịch Covid-19; nhiều người giảm thu nhập, mất việc làm, kéo theo tổng cầu toàn xã hội khá yếu.

Vừa qua, lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp cũng một phần bởi tổng cầu yếu. Nhà sản xuất - kinh doanh không thể tăng giá bất chấp sức mua trên thị trường. Giá xăng dầu giảm chắc chắn tạo dư địa giảm giá hàng hóa và dịch vụ, dù có thể chậm một nhịp hoặc ít nhất là giữ ở mức ổn định.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và địa phương cần kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng thuộc diện quản lý giá, bình ổn giá; chưa ưu tiên tăng giá các mặt hàng thiết yếu; tiếp tục giãn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí để kéo giảm chi phí giá thành...

Phương Nhung ghi

TS VŨ TIẾN LỘC - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội


(Dẫn nguồn NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm