Văn hóa

Tạo dựng lối sống văn hóa từ những hành động nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từng chút một, lối sống văn hóa cần được xây dựng từ những hành động nhỏ để tạo dựng cộng đồng văn minh.

1. “Phạt khủng” để xây dựng văn hóa giao thông là cách mà truyền thông nhắc đến về quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Theo nghị định mới, nhiều hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng, mở cửa xe ô tô thiếu quan sát… bị tăng nặng mức xử phạt.

Những ngày đầu thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, ý thức chấp hành trật tự, an toàn giao thông của người dân có sự chuyển biến rõ rệt. Xe đậu đúng làn, đúng vạch, tình trạng vượt đèn đỏ được giảm thiểu bởi người tham gia giao thông hiểu rõ hậu quả phải đối mặt là gánh nặng tài chính, có khi mất cả tháng lương do một lỗi vi phạm.

Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát hiện vi phạm; khuyến khích người dân phối hợp, cung cấp thông tin về các trường hợp vi phạm cũng giúp tăng tính răn đe, làm thay đổi ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông của người dân, góp phần giảm thiểu tai nạn.

Người dân nghiêm túc chấp hành tín hiệu đèn giao thông kể từ khi Nghị định 168 có hiệu lực từ 1-1-2025. Ảnh: Internet

Dù vậy, tại các nút giao thông vắng bóng cảnh sát, một số người dân vẫn chưa chấp hành tín hiệu đèn giao thông, dừng sai vạch, vẫn vượt ẩu. Điều này đặt ra vấn đề nhất thiết phải xây dựng cho được văn hóa giao thông. Thực trạng đáng quan ngại liên tục xảy ra gần đây tại một số tỉnh, thành là việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực khi va chạm giao thông. Nhiều vụ ẩu đả xuất phát chỉ từ va chạm nhỏ dẫn đến người thì thương vong, kẻ bị xử lý hình sự.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, văn hóa giao thông là tự giác chấp hành trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; tôn trọng, nhường nhịn người khác, tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông gặp hoạn nạn, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em, người cao tuổi để hướng tới một xã hội giao thông an toàn, thân thiện. Các hình thức xử phạt mạnh tay đã được áp dụng. Tuy nhiên, để xây dựng văn hóa giao thông thì không chỉ dựa vào quy định chế tài xử phạt.

Bản thân người viết bài này từng chứng kiến có những trường hợp dừng xe chờ đèn xanh dù đêm đã khuya, ngã tư đường không một bóng người. Có thể gọi đó là đỉnh cao của sự tự giác chấp hành hay cũng là lòng tự trọng của một công dân thượng tôn pháp luật. Giữa nhiều hình ảnh xấu xí phơi bày do vi phạm, va chạm giao thông, vẫn có những người giữ được thái độ bình tĩnh, văn minh, lịch sự khi gặp sự cố với tâm niệm: “Một sự nhịn, chín sự lành”.

2. Xây dựng lối sống văn hóa bắt đầu từ những việc đơn giản hàng ngày như “văn hóa đổ rác”. Nhiều du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc khi mới sang đã rất ngỡ ngàng với cách xử lý, phân loại rác thải cực kỳ tỉ mỉ của người dân sở tại. Các quốc gia này quy định phạt rất nặng, thậm chí nêu tên trường hợp vi phạm nếu không chấp hành quy định, không phân loại rác, vứt rác bừa bãi, vứt rác từ xe hơi… Với một số loại rác cồng kềnh, người dân còn bị thu thêm phí thu gom. Trong khi đó, ở ta, sự tùy tiện đổ rác vẫn là chuyện... “muôn năm cũ”.

Phổ biến là tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng, những sự kiện tập trung đông người. Cho dù bạn trẻ yêu môi trường phát động rất nhiều hoạt động chung tay dọn sạch rác để “giải cứu” những điểm đến ưa thích như đồi thông Ia Dêr (huyện Ia Grai), đập Tân Sơn (huyện Chư Păh), núi Đá (TP. Pleiku)… nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng xả rác bừa bãi... đâu lại hoàn đấy.

Người dân làng Brel (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) thuê xe đến thu gom rác tại bãi rác tự phát. Ảnh: L.N

Mới đây, bức xúc vì trên con đường thơ mộng dẫn vào làng mọc lên một núi rác do những người thiếu ý thức từ nơi khác mang đến vứt bỏ, gây mất mỹ quan và ô nhiễm nghiêm trọng, người dân làng Brel (xã Ia Dêr) đã đóng góp kinh phí thuê xe rác đến thu gom. Thế nhưng, đến buổi chiều, một số bao rác đã lại chễm chệ “tập kết” tại khu vực gần đó. Sự ích kỷ của một số người chỉ quan tâm đến sự sạch sẽ nhà mình, mặc kệ môi trường đã đẩy nỗ lực sống xanh rơi vào bế tắc.

Và đâu đó vẫn còn những lời phàn nàn về văn hóa xếp hàng, văn hóa ăn buffet, văn hóa giữ trật tự nơi công cộng… của những người vô tư bất chấp luật lệ. Phương cách lâu dài, bền vững là cùng với áp dụng nghiêm chế tài thì cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, hình thành cho được lối sống văn hóa cho người dân, quyết liệt thay đổi thói quen xấu, giảm thiểu những hình ảnh phản cảm.

Cùng với đó, tạo nên dư luận xã hội mạnh mẽ lên án hành vi kém ý thức, để họ biết xấu hổ vì hành động không đẹp, phản cảm. Chỉ khi đó xã hội mới thật sự kỷ cương, tiến bộ, văn minh.

Có thể bạn quan tâm