Vẻ đẹp hoang sơ
Sinh ra và lớn lên ở Pleiku nên tôi luôn mang trong mình một tình yêu và niềm tự hào về vùng đất nên thơ này. Pleiku luôn mang lại cho người ta một cảm giác bình an và tĩnh tại bởi vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Khi có bạn tới Pleiku, tôi thường dẫn bạn đi tham quan những điểm đến thú vị của phố núi.
Hầu hết bạn bè của tôi khi đến với Pleiku đều bày tỏ niềm yêu thích nơi này bởi thành phố không náo nhiệt xô bồ mà khí hậu thì mát mẻ. Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung càng làm cho bạn tôi mê đắm, choáng ngợp trước sắc vàng của hoa dã quỳ hay những cánh đồng cỏ lau, cỏ đuôi chồn bát ngát vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô.
Nhà thơ-họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn (Đà Nẵng) khi đến Pleiku, đứng trước không gian bao la của núi đồi và cỏ, đã thốt lên: “Cảnh thiên nhiên hoang sơ mộc mạc, vùng mây trắng lơ là khắp trời, cỏ lau đùa với gió heo may, lòng người thì muốn ở lại mãi nơi này”.
Còn nhà văn Phong Điệp (Báo Nhân Dân) thì tâm sự: “Tôi đến Gia Lai vào khoảng năm 2002-2003. Khi đó, Gia Lai còn mộc mạc, nguyên sơ. Trung tâm thành phố rất ít nhà cao tầng. Đi về các huyện, dọc hai bên đường là bạt ngàn cà phê, hồ tiêu… thảng hoặc mới gặp đôi ba nóc nhà khiêm nhường nằm khuất lấp sau màu xanh rì của nương rẫy tốt tươi.
Sau hơn 20 năm trở lại, Pleiku đón tôi bằng một ngày nắng trong vắt, vàng sánh như mật. Trung tâm thành phố sầm uất nhưng không hề có cảm giác xô bồ. Trên con đường tỏa về các huyện, hoa dã quỳ rực rỡ, tận hiến trước khi mùa gần cạn. Bà con Bahnar, Jrai đón chúng tôi vào nhà, ân cần, niềm nở như người thân trở về. Ngồi bên hiên nhà thơm mùi nắng, thơm mùi đất bazan, nghe tiếng trẻ ríu rít, tôi biết mình đã phải lòng mảnh đất nơi đây”.
Mảnh đất tình thân
Du khách đến với Gia Lai không phải chỉ để được ngắm cảnh đẹp mê hồn của hàng thông trăm tuổi; những hàng chè xanh thẳng tít tắp trên sườn đồi thấp thoáng trong sương mờ; một núi lửa Chư Đang Ya rực rỡ dã quỳ; hồ T’Nưng tĩnh lặng, trong vắt như gương của “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”; ngôi chùa Minh Thành lớn nhất miền Trung-Tây Nguyên với phong cách kiến trúc Nhật Bản hay thác K50 hùng vĩ, hoang dã... mà còn bởi tình cảm, tính cách phóng khoáng, đầy hào sảng của con người nơi đây.
Chắc hẳn khi đến Pleiku ai cũng sẽ nhận được những nụ cười thân thiện, những con người nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ. Bạn tôi lên Pleiku vào một sáng mùa đông, ngắm những vạt dã quỳ đầu mùa đang rung rinh giọt sương ban mai e ấp nở.
Đi ăn những món thật ngon của phố, ngồi thật lâu nơi quán cóc bên đường, bạn không may để quên cái laptop và máy tính bảng ở quán. Đến lúc phát hiện mình quên thì đã quá buổi, bạn quay lại quán để hỏi nhưng không hy vọng nhiều, vì quán rất đông khách. Nhưng vừa tới quán đã thấy chị chủ tươi cười đưa đồ cho bạn, bảo thấy bạn để quên mà gọi không kịp. Qua đó, bạn đã có thêm rất nhiều tình cảm cho con người nơi đây.
Nhà văn Tống Phước Bảo (TP. Hồ Chí Minh) rất yêu mến con người cũng như vùng đất Pleiku. Anh cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến Gia Lai là những năm tháng tuổi trẻ ruổi rong theo đám bạn có “máu” phượt. Gia Lai cho tôi những sáng se lạnh, thong dong nơi góc phố, nhấm nháp cà phê và nhìn thời gian chầm chậm trôi. Thú thực, tôi thích Gia Lai từ khi đó. Lần thứ 2 tôi đến Gia Lai là cách đây 5 năm, trong một chuyến đi từ Gia Lai để lên một huyện miền núi Quảng Nam cứu trợ người dân trong cơn lũ quét.
Gia Lai vẫn hiền và dễ thương bởi những người bạn có tính cách phóng khoáng đã hỗ trợ tôi chuyến vượt cung đường Trường Sơn đầy nguy hiểm khi đó. Tôi may mắn trên hành trình sống và ruổi rong lại được làm quen với nhiều người bạn Gia Lai luôn nhiệt thành mỗi khi tôi đến với đất này. Tôi tin mình sẽ còn thêm nhiều lần chạm đất Gia Lai”.
Còn nhà văn Trần Gia Bảo-Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, khi đến vùng đất cao nguyên đầy gió đã không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và con người nơi đây: “Từ trung tâm Pleiku, leo lên xe máy chạy mươi phút là gặp hồ, gặp núi, gặp rừng cây. Những con phố, dốc cao, dốc thấp, mây mù, sương núi cứ sà xuống như ôm hết mọi nỗi cô đơn. Đi muôn phương, nhưng lòng tôi luôn nhớ nơi ấy để quay về, dù không phải nhà, nhưng vẫn là nhà. Vì tôi đã gửi lại một phần trái tim mình cho những yêu thương, ấm áp, chân tình”.
Những ai đã từng đến Pleiku thì đều có một điểm chung là rất yêu mến vùng đất này và muốn quay trở lại. Một vùng đất yên bình, hào sảng, thân thiện, là nơi giao thoa giữa văn hóa, lịch sử và hiện đại, giữa thiên nhiên và con người. Vùng đất đã hóa tâm hồn cho những tình thân đã ghé đến nơi này giống như những câu thơ trong bài “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.