Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Cây pơ lang thắm đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cây pơ lang thắm đỏ là một loại cây quý của Tây Nguyên, có ý nghĩa linh thiêng và biểu tượng của sự no ấm.

1. Nhà tôi có mảnh vườn ở triền dốc, cạnh cánh đồng lúa. Phía cuối vườn có một cái ao mọc đầy bèo tây, cỏ dại, giáp với con suối nhỏ len lỏi đổ về hợp thủy chảy về phía Đông.

Cạnh cái ao ấy, có một mô đất lớn như một hòn giả sơn mọc đầy hoa dại. Đó có lẽ là phần đất đá khi người chủ cũ đào ao vắt lên thành đống cao. Lâu dần, chim chóc tha hạt về từ khắp chốn mà nảy mầm mọc cây ra hoa kết quả.

Ven bờ ao có mấy bụi mua hoa tím rịm ngẩn ngơ, mấy cây vả, cây goòng cành lá sum suê. Trên đỉnh mô đất là mấy gốc ổi rừng. Mùa mưa, ổi chín vàng hươm. Thứ ổi rai quả nhỏ nhưng ruột đỏ, lại thơm ngọt đúng hương vị của tự nhiên. Thật là hợp cảnh hợp tình với tuổi già.

cay-po-lang-tham-do-bg.jpg
Minh họa: Huyền Trang

Tuy vậy, điều thích nhất với tôi là cạnh bờ ao, mé cái đồi đất có cây pơ lang cỡ như cột nhà. Đó là cây pơ lang hiếm hoi khắp trong vùng đồng bãi. Có lẽ, cây đã mấy chục năm tuổi, thân xù xì, ngọn chia làm 2 nhánh sà lượn ra 2 phía như có bàn tay con người uốn tạo.

Gốc cây xếp đầy đá hộc, vây kín một phần đất xung quanh, ngỡ như một mỏm núi đá mọc ra cây cổ thụ. Mỗi mùa hoa nở, chim rừng từ đâu về chuyền cành ríu ran. Cứ trước và sau Tết, cây pơ lang lại dâng những chùm hoa thắm đỏ lên trời xanh như chào mùa xuân sớm. Cứ thế, pơ lang cho hoa từ cuối Chạp đến hết tháng Giêng.

Người Tây Nguyên rất quý cây pơ lang. Có lẽ là bởi cây vừa biểu tượng của sự linh thiêng, no ấm, lại cho những mùa hoa thắm đỏ buôn làng. Có 3 loại cây cùng được gọi là pơ lang. Tuy nhiên, chỉ có cây gạo và cây bông gòn được dùng làm cột đâm trâu hiến tế thần linh.

Cây gạo là loại pơ lang vỏ thân cành mọc đầy gai lớn, hoa to, cánh dày và đỏ rực. Đây là loại cây chỉ cho hoa đẹp sặc sỡ nhưng không đậu quả, không bung những sợi bông trắng tha hạt như cây bông gòn. Pơ lang có sức sống rất mãnh liệt, chỉ cần vào rừng chặt cành về cắm là mùa sau sẽ mọc thành cây mới. Qua mấy năm thì đã thành ra cây cổ thụ xuân về rực đỏ trời hoa. Sau mỗi cuộc lễ hội có “ăn trâu”, cái cột bằng thân pơ lang tươi để lại sẽ là một cây làm chứng tích về những cuộc vui vầy đầm ấm.

Đứng cạnh cây pơ lang trong vườn, tôi cứ cảm tưởng đây là chứng tích một cuộc đâm trâu náo nhiệt thời xa lắc. Nghĩ vậy mà trân quý, mà xôn xao trước những mùa hoa rực rỡ. Tôi vẫn thích gọi cây gạo ở vườn nhà mình là cây pơ lang. Cái tên pơ lang nghe nó thi vị, nó đầy huyền tích, đầy chất sử thi của Tây Nguyên.

2. Đầu tháng Chạp, cây pơ lang bắt đầu bung nụ. Những bông hoa đầu tiên xòe những cánh đỏ như nhung. Một hôm, có người quen ở dưới làng lên chạy thẳng ra vườn, tặng tôi mấy bịch giống tiêu lốt, bảo trồng vào gốc pơ lang thì tốt lắm.

Lựa hôm chủ nhật, tôi ra vườn đào hố chuẩn bị trồng những dây tiêu lốt quanh gốc pơ lang. Cũng xà beng, cuốc, xẻng rộn ràng. Tôi hì hụi sắp gọn mấy viên đá trên bề mặt, rồi cạy lật những viên đá dưới sâu bỏ sang một bên. Bắt đầu hình thành một cái hố nhỏ. Qua lớp đá hộc là tới lớp đất đỏ nâu pha. Điều bất ngờ là lớp đất phía dưới có vẻ rỗng xốp, lẫn trong đó là một ít lá cỏ mục, ít tơ vải nát vụn nhưng vẫn nhang nhác hình dáng hoa văn thổ cẩm. Đưa lát xẻng xuống sâu hơn, tôi đụng phải những vật cứng. Loay hoay một hồi, tôi moi lên và chợt sững người, không tin vào mắt mình: Những mẩu xương.

Tôi dừng tay, ngồi phệt xuống đất, bần thần nghĩ ngợi. Một lúc sau, tôi lấp cái hố lại. Bao nhiêu lo âu bấn loạn hối lên trong lòng. Ngay chiều hôm đó, tôi đến thẳng nhà anh Huân, người chủ đất cũ. Thấy vẻ mặt có phần hốt hoảng của tôi, anh Huân vội hỏi: “Có chuyện gì thế anh?”.

Nghe tôi kể lại chuyện đào hố trồng hồ tiêu, anh Huân cũng không giấu được vẻ ngạc nhiên, sửng sốt: “Trời đất! Thật thế hả anh?”. “Vâng! Đất cũ của anh mà anh không biết gì thật hả!” . “Thế thì phải đi hỏi A Thinh xem sao. Đó nguyên là rẫy cũ của nó, tôi cũng là mua lại, sau này thì bán cho gia đình anh”. “Vậy A Thinh ở làng nào, anh em mình phải đi hỏi xem sao”.

Anh Huân gật gật cái đầu. Sau một hồi trầm ngâm, anh Huân nhẹ giọng: “Ở làng Nú ấy, nhưng cũng không biết A Thinh còn ở đó nữa không. Cũng lâu quá rồi tôi không gặp. Thú thật với anh, khi tôi mua mảnh đất này, trong lòng rất thỏa nguyện. Người vùng này ít khi bán đất lắm, nhưng nhìn tôi, A Thinh bảo cứ cảm thấy có sự thân quen nên mới để lại cho, cũng không mấy quan tâm đến chuyện đắt hay rẻ.

Có được đất như ý, tôi cứ tự hứa với mình, khi làm ăn phát đạt hay bán được đất có đồng lời thì sẽ mời A Thinh bữa nhậu rồi biếu anh ấy một ít tiền, coi như cái lộc. Rồi khi anh hỏi mua vườn, tôi không có nhu cầu bán, nhưng thấy anh cũng dễ gần, dễ mến, lại nghĩ chẳng biết đến khi nào mới có khoản tiền to như vậy nên bán luôn. Lúc bán đất cho anh, giá đã cao gấp mười mấy lần khi tôi mua của A Thinh.

Tôi thấy mình lời nhiều quá, thì sinh ngại, ngại đi gặp A Thinh, ngộ nhỡ lúc gặp, anh ấy hỏi chuyện mảnh vườn cũ thì đâm khó. Không nói hay nói sai thì áy náy, mà nói đúng lại sợ làm cho anh ấy buồn. Lần khân mãi, nên khá lâu rồi chúng tôi không gặp lại nhau”.

3. Nghe anh Huân giãi bày, tôi bèn một mình đi tìm A Thinh. Không ngờ, cuộc gặp gỡ với A Thinh lại mở ra một câu chuyện khác. A Thinh kể, trước kia, khu rẫy của gia đình anh nằm lọt thỏm trong một vùng rừng rậm um tùm, bên khe suối nhỏ. Gia đình anh chỉ phát một đám làm rẫy, làm được mấy năm thì lại bỏ hoang cho cây cỏ mọc lên. Lúc ấy, con suối nước róc rách chảy bốn mùa. Hồi cuối mùa khô năm 67, 68 gì đó, A Thinh lên thăm rẫy thì bắt gặp một người bị thương. Anh ta lê lết rồi gục ngã bên bờ suối vắng.

Theo linh cảm, A Thinh đoán là bộ đội bị địch bắn trọng thương. Vậy là, A Thinh vực anh ấy dậy, rồi cõng đến mô đất cao bên cây pơ lang cho nằm cạnh một bụi rậm, vừa râm mát lại kín đáo. Nghe người bị thương khe khẽ kêu khát nước, A Thinh nghiền nát một số trái vườn chín cây, hòa với nước trong bầu cho uống. Lúc sau thì anh ấy tỉnh lại. Anh khẽ bảo anh là bộ đội đặc công, tên là Hoanh.

Nhưng anh Hoanh bị thương nặng quá, A Thinh không dám đưa về làng. Vậy nên, A Thinh để anh Hoanh ở lại ngoài rẫy, với ý nghĩ là sẽ lặng lẽ chăm sóc cơm nước cho anh. Không ngờ hôm sau đưa cơm ra, lay gọi thì anh Hoanh đã mất. A Thinh dằn vặt mãi, nhưng chuyện cũng đã lỡ rồi. Mà theo phong tục làng cũng không thể đưa người chết xấu về chôn trong khu nhà mả của làng.

Vậy là, A Thinh đành lặng lẽ tìm được mấy tấm dồ cũ, quấn anh bộ đội lại rồi chôn ngay gốc cây pơ lang. Ngôi mộ chỉ lấp đất sơ sài. A Thinh đành gom tất cả đá hộc trên bờ ao xếp chồng thành một đống cao quanh gốc pơ lang.

Nghe A Thinh kể, không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến câu chuyện của gia đình Hảo-một người bạn thuở thiếu thời. Bố Hảo cũng tên là Hoanh, cũng là bộ đội, hy sinh ở mặt trận B3. Lúc trở về, tôi vội ra vườn thắp mấy nén hương cắm ở gốc pơ lang rồi gọi điện cho Hảo. Chúng tôi nói chuyện rất lâu.

Kể ra thì Hảo không còn sót chỗ nào trên đất Tây Nguyên mà chưa đặt chân đến. Cậu đã lên tận biên giới, đã sang tận đất Lào, đất Campuchia. Cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội dù rất tận tình nhưng hồ sơ lưu trữ không có bất kỳ một dòng tin tức để gia đình Hảo hy vọng. Tôi nhớ có lần cùng Hảo tìm kiếm hồ sơ tại một đơn vị, đang lục lọi mờ mắt thì Hảo có điện thoại. Nghe tiếng người mẹ già hỏi thăm tin tức, Hảo òa lên khóc nức như đứa trẻ. Tôi biết bạn mình không biết phải trả lời thế nào cho mẹ yên lòng.

Không ngờ, lần này lại may thế! Sau rất nhiều thủ tục thì gia đình Hảo tìm được người thân. Từ ngày tìm ra được mộ phần của bác Hoanh, trong con mắt tôi, cây pơ lang hóa linh thiêng hơn, hình như hoa nở nhiều hơn, đỏ hơn, rực rỡ hơn. Tôi thầm chờ cái phút giây Hảo sẽ vào đưa bác Hoanh về quê. Dường như cây pơ lang cũng đỏ rực nỗi mong chờ một mùa xuân đoàn tụ.

Có thể bạn quan tâm