Kinh tế

Doanh nghiệp

Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bán hàng đa cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ ngày 20-6-2023, Nghị định số 18/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực thi hành. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao tính minh bạch, giảm tối đa nguy cơ lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để trục lợi bất chính, nâng cao tính khả thi pháp luật và hiệu quả quản lý tại địa phương.

Tăng hiệu quả quản lý

Kinh doanh theo phương thức đa cấp còn có các tên gọi khác là bán hàng đa cấp, kinh doanh theo mạng, Multi-Level Marketing, Network Marketing. Đây là phương thức tiếp thị để bán lẻ trực tiếp hàng hóa thông qua mạng lưới phân phối. Phương thức kinh doanh này sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh; trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Kể từ khi hoạt động bán hàng đa cấp du nhập vào Việt Nam năm 1999, để hòa nhập với thế giới và tình hình thực tế, hành lang pháp lý về bán hàng đa cấp dần được hình thành và hoàn thiện với hàng loạt hệ thống văn bản quy định siết chặt hơn về điều kiện đối với các doanh nghiệp, người tham gia và công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ảnh: Vũ Thảo

Tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ảnh: Vũ Thảo

Năm 2018, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành với các quy định siết chặt hơn về điều kiện kinh doanh, hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia, các doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bán hàng đa cấp. Qua đó, nghị định này tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho doanh nghiệp hoạt động minh bạch, sàng lọc những doanh nghiệp lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để trục lợi bất chính. Tuy nhiên, nghị định này đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, Nghị định số 18/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp ra đời nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp.

Nghị định số 18/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới bổ sung quy định về điều kiện đối với tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp như: tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 3 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thông qua việc sàng lọc các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có năng lực hoạt động bán hàng đa cấp trước khi vào thị trường Việt Nam sẽ giảm nguy cơ xảy ra tình trạng lừa đảo trên quy mô lớn. Nghị định mới cũng bổ sung quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng, không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó. Quy định này thúc đẩy hoạt động bán hàng đa cấp phát triển đúng bản chất của hoạt động phân phối bán lẻ nhằm đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, thay vì chỉ tiêu dùng trong nội bộ người tham gia bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, Nghị định số 18/2023/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định như trong trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tổ chức theo hình thức trực tuyến có sự tham gia của người bán hàng đa cấp tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì doanh nghiệp phải thông báo đến Sở Công thương của tỉnh, thành phố đó. Trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tổ chức theo hình thức trực tuyến có sự tham gia của người bán hàng đa cấp tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì doanh nghiệp phải thông báo đến Sở Công thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.

Ông Khuất Duy Thoại-giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật thương mại (Bộ Công thương) cho biết: Khi quy định càng siết chặt thì số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp càng được thanh lọc. Thời điểm này, cả nước còn 19 doanh nghiệp được cấp phép và đang hoạt động với 834.000 nhà phân phối khoảng 7.000 mặt hàng (trong đó 90% là thực phẩm chức năng). Năm 2022, doanh thu bán hàng đa cấp đạt trên 19.000 tỷ đồng, đóng thuế gần 2.900 tỷ đồng. Từ ngày 20-6-2023, Nghị định số 18/2023/ NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ đưa hoạt động kinh doanh đa cấp đi vào ổn định, chuẩn chỉ.

Thúc đẩy hoạt động bán hàng đa cấp phát triển

Bà Trần Thu Hằng-chuyên viên pháp chế Công ty New Image Việt Nam-cho hay: Công ty đã được đăng ký kinh doanh ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tại Gia Lai, Công ty đã có mặt nhiều năm và đem đến cơ hội kinh doanh tốt cho người tham gia bán hàng cũng như đưa ra thị trường các dòng sản phẩm chất lượng cao. Trong quá trình hoạt động, Công ty được chính quyền địa phương, Sở Công thương tạo điều kiện rất thuận lợi. Để quản lý tốt hoạt động của mạng lưới người tham gia kinh doanh tại địa bàn, Công ty đã có những chương trình đào tạo, tổ chức các sự kiện, hội thảo cho nhà phân phối. Việc này luôn tuân thủ theo quy định và có sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng.

Nghị định số 18/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục tạo hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp. Ảnh: Vũ Thảo

Nghị định số 18/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục tạo hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp. Ảnh: Vũ Thảo

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-chia sẻ: Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thường xuyên, đa dạng về phương thức để thông tin đến đông đảo người dân, doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp nhằm nâng cao nhận thức, hiểu đúng về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Việc hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng nội dung đăng ký bán hàng đa cấp; đưa ra các thông báo về hoạt động kinh doanh trá hình, đặc biệt là hàng giả, hàng nhái hay lợi dụng quảng bá chất lượng sản phẩm ngoài những tiêu chuẩn đã đăng ký được thực hiện thường xuyên, qua đó cảnh báo về các hoạt động kinh doanh trái phép, trá hình. Mới đây, Sở Công thương phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật thương mại tổ chức hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, qua đó hệ thống lại những điểm quan trọng và những quy định mới của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp cho các doanh nghiệp và đơn vị quản lý hoạt động kinh doanh này.

Cũng theo bà Nguyệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động với các ngành hàng như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng... Tổng số người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương là 5.553 người. Năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đạt 114 tỷ đồng. Hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp cơ bản tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, quảng cáo sai quy định.

“Nghị định số 18/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành tiếp tục tạo hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp; sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong quá trình thực thi và tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Từ đó, đưa hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đi vào khuôn khổ pháp luật, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”-Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định.

Có thể bạn quan tâm