Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai vừa tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ VI-2022. Cuộc thi đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cũng như tạo hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, an toàn cho thanh niên.
Nhiều ý tưởng nổi bật
Với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, chị Rơ Mah H’Dịu-Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) đã đem đến cuộc thi ý tưởng “Thành lập làng nghề thanh niên đan lát rổ, rá, gùi bằng tre, nứa”. Ý tưởng này tập trung vào 3 nhóm đối tượng: thanh niên mong muốn khởi nghiệp tại quê hương; thanh niên chưa có việc làm; thanh niên khuyết tật chưa có định hướng phát triển kinh tế.
Để ý tưởng trở thành hiện thực, chị H’Dịu đề ra một số giải pháp như: chủ động kêu gọi sự tham gia đào tạo nghề của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; quy hoạch xây dựng vùng trồng nguyên liệu tre để phục vụ hoạt động đan lát; xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, thực hiện mô hình trình diễn quá trình các nghệ nhân làm ra sản phẩm, kết hợp với du lịch sinh thái. Ngoài các sản phẩm đan lát truyền thống, làng nghề cần đa dạng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng thị hiếu xã hội như: đèn ngủ, lẵng hoa, giỏ trang trí… Dự án của chị H’Dịu được Ban giám khảo đánh giá cao và đạt giải nhất cuộc thi. “Đa số đoàn viên, thanh niên trong xã đi làm ăn xa, trong khi đan lát là nghề truyền thống tại địa phương. Thông qua cuộc thi này, tôi mong muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên và góp sức để bảo tồn nghề truyền thống”-chị H’Dịu cho biết.
Chị Rơ Mah H'Dịu-Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) nỗ lực để phát triển nghề đan lát truyền thống ở địa phương. Ảnh: Phan Lài
Dự án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung cứng trà Kombucha đa vị” của tác giả Lê Thị Thu Hồng (tổ 7, thị trấn Chư Sê) cũng được Ban giám khảo đánh giá cao bởi tính khả thi. Chị Hồng chia sẻ: Chị chọn đề tài này với mong muốn sản xuất ra một loại đồ uống thuần tự nhiên, có lợi cho sức khỏe con người. Mục tiêu của dự án là trở thành thương hiệu chuyên sản xuất các loại bột uống tiện lợi, khi được đầu tư máy móc có thể cung ứng ra thị trường hơn 14.400 hộp bột trà/năm, tạo việc làm cho 6-8 lao động. “Tôi rất vui khi dự án đạt giải nhì. Sự góp ý, định hướng của Ban giám khảo giúp tôi có thêm kiến thức để hoàn thiện sản phẩm trong thời gian tới”-chị Hồng tâm sự.
Cuộc thi cũng có sự tham gia của một số dự án đã đạt được những thành công nhất định, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương như: mô hình nông trại canh tác-sản xuất cà phê theo hướng bền vững kết hợp du lịch nông nghiệp và cộng đồng (tác giả Trần Thị Kim Phùng Thủy); sản xuất rau an toàn, bền vững ứng dụng công nghệ với chi phí thấp và hiệu quả cao (tác giả Huỳnh Văn Lộc); tìm hướng đi mới cho nhãn Chơ Glong (tác giả Bùi Đức Trung)…
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Khởi động từ tháng 6-2022, cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ VI đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên. Từ 32 ý tưởng dự thi ở vòng sơ khảo, trải qua vòng bán kết, 7 ý tưởng xuất sắc nhất được lựa chọn vào vòng chung kết.
Tại vòng chung kết, các tác giả thuyết trình về tính mới, tính sáng tạo, tính khả thi của ý tưởng, dự án; chiến lược, kế hoạch kinh doanh, kêu gọi vốn và bảo vệ ý tưởng, dự án. Theo đánh giá của Ban giám khảo, các ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp năm nay có sự đa dạng về lĩnh vực; nhiều ý tưởng, dự án đã được triển khai và đang phát triển mở rộng. Các thí sinh đã chứng tỏ được tâm huyết cũng như nắm vững kiến thức về lĩnh vực mà mình muốn khởi nghiệp.
Chị Trần Thị Kim Phùng Thủy (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mỗi thí sinh đến với cuộc thi đều có sự chuẩn bị kỹ càng. Đạt giải ba tại cuộc thi là sự động viên, khích lệ tôi trong hành trình khởi nghiệp. Những kiến thức, kỹ năng có được từ cuộc thi giúp tôi hoàn thiện dự án của mình hơn trong thời gian tới”.
Các thí sinh tham quan gian hàng khởi nghiệp của thanh niên tại cuộc thi. Ảnh: Đức Thụy
Ngoài phần thưởng từ Ban tổ chức, tất cả ý tưởng, dự án tham gia vòng chung kết đều được hỗ trợ tư vấn về pháp lý, các thủ tục đưa sản phẩm ra thị trường, mã truy xuất nguồn gốc…  Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng lựa chọn những dự án tiềm năng, triển vọng để đồng hành, hỗ trợ trong thời gian tới. Anh Trần Văn Trong-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh-thông tin: Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã đồng hành cùng cuộc thi trong suốt 6 năm qua. Hàng năm, trong các dự án, ý tưởng dự thi, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đều chọn lựa được những dự án có tính khả thi cao để giúp tác giả lên kế hoạch chi tiết hơn, hoạch định rõ ràng hơn, hỗ trợ kinh phí để biến dự án trở thành hiện thực.
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-cho biết: Cuộc thi nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, cung cấp kiến thức khởi nghiệp cho thanh niên, góp phần triển khai có hiệu quả phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” và chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”. Bên lề cuộc thi, Tỉnh Đoàn đã mời các chuyên gia, diễn giả, tấm gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu cùng tham gia, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Qua cuộc thi, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn hy vọng có thể “tiếp lửa” để đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, chung tay tạo dựng hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp an toàn, lành mạnh, thành công.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm