Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Quan tâm, chăm sóc, dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Những năm qua, các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai đã nỗ lực tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm giúp trẻ em phát triển toàn diện.

Quan tâm trẻ em yếu thế

Để động viên các em học sinh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống, mới đây, Tỉnh Đoàn-Hội đồng Đội tỉnh đã trao tặng 25 đàn gà cho 25 thiếu nhi của 2 huyện Kông Chro và Mang Yang. Mỗi đàn gà có 30-40 con, mỗi con nặng khoảng 300-400 gram và đều được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Trước khi trao tặng, giáo viên đã cùng với gia đình các em làm chuồng nuôi nhốt để thuận lợi trong quá trình chăn nuôi, chăm sóc đàn gà.

Là 1 trong 10 thiếu nhi của huyện Mang Yang được hỗ trợ đàn gà, em Phonh (lớp 4B, Trường Tiểu học Ayun số 2, xã Ayun) hết sức vui mừng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng Phonh luôn cố gắng học tập tốt và chăm chỉ phụ giúp việc nhà. Phonh cho biết: “Em sẽ chăm sóc đàn gà thật tốt để năm học tới có thể bán lấy tiền mua sách vở và quần áo mới”.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên tặng quà cho trẻ em tại chương trình tiếp xúc, đối thoại với trẻ em được tổ chức vào tháng 3-2023. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên tặng quà cho trẻ em tại chương trình tiếp xúc, đối thoại với trẻ em được tổ chức vào tháng 3-2023. Ảnh: Đức Thụy

Đàn gà “Khăn quàng đỏ” là mô hình hưởng ứng chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Gia Lai” do Tỉnh Đoàn triển khai. Những năm qua, hàng trăm thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh được hỗ trợ gà giống để chăn nuôi, hỗ trợ tăng gia sản xuất. Quan trọng hơn, mô hình đã tạo sự lan tỏa của phong trào “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, giúp trẻ em biết trân quý thành quả lao động.

Anh Lê Văn Hiền-giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Ayun số 2-cho hay: “Đàn gà “Khăn quàng đỏ” là mô hình nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Sự quan tâm của tổ chức Đoàn-Đội và các Mạnh Thường Quân đã góp phần khích lệ, động viên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập”.

Cùng với tổ chức Đoàn, chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Din (huyện Đức Cơ) triển khai được mọi người đánh giá cao. Hội đang nhận đỡ đầu em Rơ Mah Uyên (lớp 7, Trường THCS Nguyễn Huệ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất, mẹ đau ốm thường xuyên. Nhà không có đất sản xuất, hàng ngày, mẹ của Uyên đi làm thuê để nuôi các con ăn học. Nhờ sự quan tâm của Hội LHPN xã Ia Din, những năm qua, Uyên và gia đình đã được hỗ trợ, động viên cả về vật chất và tinh thần.

Uyên xúc động bày tỏ: “Nhờ có các cô quan tâm động viên, trao tặng nhu yếu phẩm và sách vở, đồ dùng học tập nên gia đình em đỡ vất vả hơn. Em sẽ học tập thật tốt để xứng đáng với sự động viên, giúp đỡ của mọi người”.

Tham gia những hoạt động hè an toàn, bổ ích sẽ giúp trẻ em phát triển toàn diện. Ảnh: P.L

Tham gia những hoạt động hè an toàn, bổ ích sẽ giúp trẻ em phát triển toàn diện. Ảnh: P.L

Bà Châu Thị Kiều-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Din-thông tin: “Cuộc sống thiếu thốn nên cháu Uyên muốn nghỉ học để đỡ đần mẹ. Tháng 8-2022, Hội LHPN xã cử cán bộ, hội viên thường xuyên thăm hỏi và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí giúp đỡ. Mỗi tháng, Hội hỗ trợ gạo, mì tôm cùng một số nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập cho các em. Việc hỗ trợ duy trì cho đến khi em Uyên đủ 18 tuổi”.

Trang bị kỹ năng sống

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ em nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tổn hại trẻ em là việc làm rất cần thiết. Xuất phát từ mục tiêu đó, từ ngày 25-5 đến 5-6, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đã tổ chức dạy bơi cho 37 trẻ em mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Bà Tạ Thị Anh Đào-Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh-cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Trung tâm muốn trẻ em ở đây đều biết bơi và được trang bị những kỹ năng phòng tránh đuối nước nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp. Sau khi đặt vấn đề, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đã hỗ trợ 50% chi phí học bơi cho các em”.

Trong khóa học, các huấn luyện viên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đã nhiệt tình hướng dẫn các em kỹ thuật bơi an toàn, phương pháp cứu người bị đuối nước. Sau 5 ngày học tập nghiêm túc, em Rơ Châm Khư (8 tuổi) đã biết một số kiểu bơi an toàn, kỹ năng nổi ngửa và đứng nước để phòng tránh đuối nước. Em tâm sự: “Được các thầy hướng dẫn tận tình, em đã biết bơi và cơ bản biết cách cứu người bị đuối nước khi có tình huống xảy ra trong thực tế”.

Giúp trẻ em rèn tính kỷ luật, nền nếp, sống có trách nhiệm và hình thành những kỹ năng sống cần thiết là mục đích của chương trình “Học kỳ trong quân đội” do Tỉnh Đoàn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức hàng năm. Năm nay, chương trình diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 7 đến 16-6) tại Trung đoàn Bộ binh 991, thu hút sự tham gia của 120 thanh thiếu nhi.

Tham gia chương trình, các em được học cách sắp đặt nội vụ, sắp xếp quân tư trang; tập 16 động tác võ tay không; được tìm hiểu truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống của đơn vị quân đội nơi học viên tham gia huấn luyện. Đồng thời, các em còn được hướng dẫn các kỹ năng: làm việc nhóm; xử lý tình huống xung đột trong quan hệ bạn bè; giao tiếp, ứng xử trong gia đình và nhà trường; vượt qua chính mình; kỹ năng tự vệ, thoát hiểm trước những tình huống nguy hiểm trong cuộc sống, sơ cứu thương…

Là người có kinh nghiệm làm điều phối viên chương trình “Học kỳ trong quân đội” nhiều năm liền, anh Lê Phan Tấn Đại-cán bộ Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh-cho hay: “Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, chưa có khả năng tự bảo vệ mình. Thời gian không quá dài nhưng những kỹ năng, bài học mà chương trình giúp hình thành thói quen có ích, tạo bước đệm để các em từng bước thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn”.

Trách nhiệm không của riêng ai

Tháng Hành động vì trẻ em năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 30-6 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em.

Trang bị kỹ năng sống cho thiếu nhi là việc làm cần thiết để phòng ngừa tai nạn thương tích. Ảnh: P.L

Trang bị kỹ năng sống cho thiếu nhi là việc làm cần thiết để phòng ngừa tai nạn thương tích. Ảnh: P.L

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn những thách thức, nóng nhất là tình trạng thương tích, đuối nước. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ đuối nước làm 36 trẻ tử vong. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Trần Anh, Tháng Hành động vì trẻ em là dịp để mọi người cùng nhìn lại công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thời gian qua, đồng thời, tiếp tục đưa ra những giải pháp, phương hướng hành động thiết thực hơn nữa bảo vệ trẻ em.

“Để các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực xã hội để ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Hàng năm, Sở trích kinh phí để tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình, toàn xã hội cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ trẻ em”-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin.

Chăm lo thiếu nhi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tổ chức Đoàn-Đội. Trong dịp hè, công tác này càng được chú trọng với các hoạt động như: vận động nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi; tặng quà thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng; mở lớp ôn tập hè và dạy bơi miễn phí; tổ chức sân chơi, trang bị cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, bị bóc lột, vi phạm pháp luật, phòng-tránh tai nạn thương tích…

Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh-cho hay: “Đối với thiếu nhi, được vui chơi, sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, an toàn là nhu cầu chính đáng. Sau khi kết thúc năm học, các em trở về sinh hoạt hè tại địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức Đoàn cơ sở tiếp nhận và tổ chức các hoạt động hè phù hợp, có chất lượng để thu hút thiếu nhi tham gia. Phấn đấu hỗ trợ ít nhất 2.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn là một trong những mục tiêu của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023. Để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ngoài sự nỗ lực của tổ chức Đoàn, cần có sự vào cuộc tích cực và quyết tâm hành động của toàn xã hội”.

Có thể bạn quan tâm