Xã hội

Gia đình

Để trẻ em có những ngày hè an toàn, bổ ích

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời điểm này, hàng ngàn trẻ em trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang háo hức đón chào những ngày hè rực rỡ, rộn ràng niềm vui. Cùng với gia đình, các ngành, địa phương, đơn vị cũng nỗ lực sáng tạo, thiết kế nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm đem lại những ngày hè bổ ích, lành mạnh, an toàn cho trẻ.

Theo kế hoạch, từ ngày 7 đến 16-6, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh sẽ tổ chức chương trình Học kỳ trong quân đội tại Trung đoàn Bộ binh 991 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Chương trình tuyển sinh các thanh-thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Trong thời gian 10 ngày, các em sẽ được sống trong môi trường quân ngũ thực thụ với nhiều trải nghiệm đáng nhớ cũng như trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới. Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức nhiều hoạt động vui nhộn, hấp dẫn như: lễ hội hóa trang, đêm lửa trại, diễn đàn “Tuổi trẻ với chủ quyền biên giới quốc gia”… 10 năm qua, Học kỳ trong quân đội thực sự là một sân chơi hữu ích dành cho các em rèn luyện và trưởng thành hơn trong mùa hè.

Tương tự, Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku phối hợp với Thành Đoàn Pleiku, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh cũng tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống “Học làm chiến sĩ Công an” dành cho các em thiếu nhi từ 10 đến 14 tuổi. Trong thời gian 7 ngày, các em được trang bị các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; kỹ năng thoát hiểm, phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước; kỹ năng làm chủ bản thân, tính tự lập; ứng xử, giao tiếp, khám phá và hoàn thiện bản thân, nói trước công chúng, dẫn chương trình. Đặc biệt, các em sẽ được học kỹ năng sinh tồn tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh với chủ đề “Ngày học giữa đại ngàn”. Các em cũng sẽ được học bơi, võ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ.

Tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, sáng tạo để thu hút sự tham gia của trẻ em cần sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương. Ảnh: Phương Vi

Tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, sáng tạo để thu hút sự tham gia của trẻ em cần sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương. Ảnh: Phương Vi

Một mùa hè sôi động đang đến thật gần. Cùng với các chương trình nói trên, nhiều trung tâm, tổ chức, cá nhân cũng mở các lớp dạy các môn năng khiếu như: học đàn, vẽ, thanh nhạc, nhảy cho đến các kỹ năng như bơi lội, dẫn chương trình… Dù vậy, vẫn còn đó những nỗi lo khi hàng ngàn học sinh sẽ trở về sinh hoạt hè tại địa phương, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Trên thực tế, năng lực tổ chức các sân chơi hữu ích, thu hút sự tham gia của trẻ em ở khu vực dân cư của một số tổ chức, đoàn thể còn hạn chế. Bên cạnh đó, dù là mùa hè song cha mẹ vẫn phải đi làm, đành để trẻ ở nhà một mình hoặc tự chơi trong suốt kỳ nghỉ. Việc không được quản lý chặt chẽ, không có những hoạt động hấp dẫn, thiếu sân chơi sẽ dễ xảy ra tình trạng trẻ tự đưa mình đến những nơi không an toàn, dễ xảy ra tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 25 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có 22 trường hợp tử vong, chiếm 88% tổng số trẻ em bị tai nạn, thương tích (đuối nước: 17 trẻ, tai nạn giao thông: 3 trẻ, các loại tai nạn khác: 2 trẻ). Các địa phương có tỷ lệ cao như: huyện Chư Prông 1 vụ làm 3 trẻ em tử vong, Krông Pa 1 vụ làm 3 trẻ em tử vong, Chư Păh 1 vụ làm 2 trẻ em tử vong, Đak Đoa 1 vụ làm 2 trẻ em tử vong. Con số này thực sự đáng lo ngại, nhất là khi kỳ nghỉ hè đang cận kề.

Tháng Hành động vì trẻ em năm 2023 có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Theo Kế hoạch số 1023/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai Tháng Hành động vì trẻ em, một trong những nội dung quan trọng của Tháng hành động là đảm bảo kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; thực hiện tốt công tác bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư; chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng-chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Ngoài ra, tăng cường tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm và các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng để phát huy quyền tham gia của trẻ; triển khai các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho trẻ em đảm bảo an toàn, lành mạnh, phù hợp với điều kiện, đặc thù tại địa phương, đơn vị; tổ chức các lớp hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng-chống xâm hại, tai nạn thương tích và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em…

Để thực hiện những nội dung trên cần sự chung tay của tất cả các ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên ở cơ sở. Đặc biệt, các tổ chức Đoàn Thanh niên ở khu dân cư cần phát huy tinh thần chủ động tiếp nhận, quản lý cũng như sáng tạo trong tổ chức các sân chơi, hoạt động hè một cách sôi nổi, hấp dẫn, có chủ đề, chủ điểm, phù hợp với sở thích, đặc thù địa phương nhằm thu hút sự tham gia đông đảo, thường xuyên của trẻ em. Có như vậy mới tạo ra những ngày hè thật sự tươi vui, bổ ích, an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Có thể bạn quan tâm