Từ năm 2006 đến nay, Gia Lai đã tiếp nhận và đầu tư trên 54 tỷ đồng triển khai thực hiện chương trình phát triển giống cây trồng, vật nuôi. Chương trình đã xây dựng Trung tâm Giống vật nuôi; nâng cấp hoàn thiện Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng; phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao; nâng cao chất lượng giống bò thịt và năm 2009 là dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Giống thủy sản.
Hiện tại, trừ dự án xây dựng Trung tâm Giống thủy sản đang trong giai đoạn triển khai, các chương trình giống, cây trồng, vật nuôi còn lại đã và đang bước vào giai đoạn kết thúc. Thành công của các chương trình giống, cây trồng, vật nuôi đã đặt nền tảng vững chắc thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển ổn định trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Trong thời gian 3 năm (2007-2010), dự án phát triển giống lúa cho năng suất, chất lượng cao đã sản xuất 4.300 tấn lúa giống xác nhận như: HT1, HT7, Tám Thơm, Nếp Than ĐP, VND95-20, CH207, Xi 23… Số giống trên đã được đưa vào gieo sạ 5 vụ sản xuất liên tiếp, tổng diện tích 30.000 ha. Qua sản xuất, quy trình chăm sóc giống lúa xác nhận áp dụng giải pháp bón phân cân đối, lượng phân bón trên đơn vị canh tác giảm, lượng giống gieo sạ giảm 50% so với giống thường, nhờ vậy chi phí đầu tư giảm 20% trên đơn vị diện tích. Lấy năng suất lúa bình quân gần 6 tấn/ha hiện nay để đối chiếu thì năng suất lúa giống xác nhận đạt cao hơn từ 20% đến 25%, lợi ích kinh tế trên một đơn vị diện tích trồng lúa tăng thêm đặt tiền đề để nông dân tiếp nhận đưa vào gieo sạ đại trà.
Ảnh: Đức Thụy |
Nếu thành công của hai dự án nêu trên tạo ra cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng giải quyết yêu cầu giống trước mắt của nông dân thì dự án đầu tư nâng cấp, hoàn thiện Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng và dự án xây dựng Trung tâm Giống vật nuôi là cơ sở để chủ động nguồn giống tốt cung cấp cho nông dân. Cùng với việc đã nhập về 55 con bò giống lai Zêbu, 49 con heo giống Lan Đrace và Yooshie phục vụ công tác nhân giống, các hạng mục về hạ tầng đã hoàn thành, thiết bị nghiên cứu cơ bản được trang bị đầy đủ. Sự hiện diện của các thiết bị nuôi cấy mô, thí nghiệm, thiết bị lạnh… là tiền đề để cơ quan chuyên môn hoàn thành mục tiêu mỗi năm sản xuất 500 tấn giống lúa, 120-150 tấn giống bắp cung cấp cho nông dân chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất mùa vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp một cách bền vững.
Chương trình giống cây trồng, vật nuôi còn đào tạo, bồi dưỡng 28 kỹ thuật viên giám định, quản lý giống vật nuôi; 35 dẫn tinh viên, nâng tổng số dẫn tinh viên được đào tạo toàn tỉnh hiện nay lên 100 người; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho 550 nông dân. Chương trình còn tập huấn kỹ thuật thâm canh các giống lúa nước năng suất, chất lượng cao cho 870 người; tổ chức 69 cuộc hội thảo đầu bờ giới thiệu kết quả giống lúa mới, kỹ thuật thâm canh cho 2.070 hộ nông dân. Lực lượng cán bộ, nông dân đã được đào tạo, bồi dưỡng này là hạt nhân chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật rộng rãi đến các hộ nông dân tại địa phương mình giúp nông dân vận dụng chăm sóc cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Quang Văn