Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tao nhã trà sen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có người bạn tôi kể, vào mỗi sớm mùng 1 Tết, khi cả nhà, cả khu phố hầu như còn yên giấc sau đêm giao thừa thức muộn, bạn thường pha một ấm trà sen, rót chén đầu tiên đặt lên bàn thờ tổ tiên, lắng nghe hương trà sen lan tỏa trong không gian, quyện với mùi trầm hương dịu nhẹ, cảm giác vô cùng thanh tịnh. Vị trà sen vẫn tươi mới chẳng khác nào bông trà vừa được mở ra bên đầm sen mùa hạ.

Hương vị ấy gợi nhớ về một thú thưởng trà hoa vô cùng tinh tế, vốn chỉ dành riêng cho những bậc vương tôn công tử, hay những tao nhân mặc khách thuở xưa. Vào mùa sen, khi mặt trời vừa rớt xuống hồ, người ta bơi thuyền ra đầm trước nhà, thả vào bông sen hàm tiếu một nhúm chè mạn. Tinh mơ hôm sau, người ta lại chèo thuyền ra gỡ lấy những cánh trà đã thấm đẫm hương sen, thả vào chiếc ấm đất nung bé xíu, rồi hứng những hạt sương mai đọng trên lá sen xanh mướt về đun nước pha trà.


 

Trà sen tươi chỉ sau một đêm ủ hương
Trà sen tươi chỉ sau một đêm ủ hương


Hương sen, vị trà quyện vào nhau quyến rũ đến nỗi người ta phải cố lưu giữ bằng được hương vị ấy, bằng cách làm trà sen khô. Làm trà sen khô rất cầu kỳ, phải tách lấy những hạt gạo sen ở đầu nhụy, rồi cứ trải một lớp trà lại một lớp gạo sen, ủ trong lớp giấy bản khoảng 1 ngày, sau đó đem sấy khô, làm đi làm lại nhiều lần thì trà mới “ngậm” đủ hương. Kỳ công vậy nên trà sen cũng “đắt như vàng”, có khi lên đến 20 triệu đồng/kg.

Bây giờ, những người muốn thưởng trà sen mà không quá đắt đỏ, đã có một cách khác là cấp đông bông trà. Chẳng biết ai là người đầu tiên nghĩ ra, nhưng nó đang phổ biến ở Hà Nội. Người làm trà thường kén sen Hồ Tây bởi hương đậm mà không gắt. Gọi là sen Hồ Tây chứ thực ra nó được trồng ở các đầm nhỏ xung quanh hồ. Phải dân sành trà mới biết, cùng là sen bách diệp nhưng thơm nhất vẫn là sen ở đầm Trị gần Phủ Tây Hồ và đầm Thủy Sứ gần Đình Quảng Bá. Vào giữa mùa, khi các nơi chỉ bán 5.000 - 10.000 đồng/bông thì sen ở 2 đầm này luôn có giá 15.000 đồng/bông. Phải xếp hàng mua như thời bao cấp và chỉ được mua với số lượng nhất định. Ông chủ đầm kỹ tính, không cho phụ nữ xuống đầm hái vì e hỏng mất mùa sen năm sau. Ông cũng không cho cô gái nào xức nước hoa ngào ngạt đến gần để giữ cho hương sen được tinh khiết nhất. Những người đàn ông sẽ chèo thuyền đi hái trước khi mặt trời mọc, nương thật nhẹ để đến lúc trao vào tay người mua thì sen vẫn còn phong kín, bọc trong tấm lá dày xanh ngắt. Sen rất khó chiều, tươi tốt là vậy nhưng phải năm thời tiết trái khoáy, hay nguồn nước bị ô nhiễm là cả đầm sen cứ lụi đi. Lại tương truyền rằng, chỉ cần một tấm ván thôi (ván quan sau cải táng) ném xuống hồ là cả hồ sen đang tốt cũng lụi hết. Rồi bông sen hái từ đầm về tươi tắn là thế mà để trong phòng điều hòa là héo rũ…

Ngày xưa, các nghệ nhân của làng trà sen ven Hồ Tây không dùng trà quá ngon để ướp vì sợ làm át mất hương sen quý. Nhưng rồi, có người nhận ra trà xứ Tân Cương (Thái Nguyên) và sen Tây Hồ thật đúng là thứ “duyên nợ trời sinh”. Vị thơm như cỏ mật và chát ngọt của trà Thái Nguyên chẳng những không át mà còn dìu hương sen lên ngây ngất bội phần. Người làm trà tách nhẹ bông sen, cho nhúm trà chừng đủ 1 ấm vào giữa, dùng lá sen bánh tẻ bọc bên ngoài, buộc chặt phía cuống sen rồi cắm vào nước trong 1 ngày để sen nở tiếp. Nửa đêm về sáng là lúc bông sen thức dậy và hương hoa sẽ thấm dần vào những cánh trà. Đến tầm trưa, bông trà sen đã đẫm hương sẽ được “đóng băng” để giữ nguyên hương vị.

Có trà sen rồi, nhưng để được chén trà xanh óng và thơm như ý cũng không dễ. Trà không cần rã đông mà chỉ gần nhẹ tay gỡ khỏi bông sen cho vào chiếc ấm đặt sẵn trong “thuyền trà”, rót nước sôi vào ấm trước và “thuyền trà” sau để giữ nhiệt. Chờ chừng 2 phút thì trà ngấm, rót hết nước đầu và cũng là nước ngon nhất, ra một vật dụng gọi là chuyên, rồi mới rót từ chuyên ra chén. Trà ngon thì nước xanh mơ mà vẫn trong, vị chát mà ngọt hậu, hương ngát mà êm dịu. Đặc biệt là mùi hương ấy còn lưu mãi trên chén trà đã cạn. Nhiều người nghiệm ra rằng, cái hương vị thanh khiết của trà sen hợp một cách lạ lùng với tết, nó làm lòng người thêm tĩnh tại, an yên trong tiết lạnh của buổi đầu xuân mới, làm dịu đi cảm giác ngấy ngán của những món ăn ngày tết, những câu chuyện “trà dư, tửu hậu” của bạn bè quanh chén trà xuân cứ thế mà nảy nở.

Vì quá yêu trà sen, nhiều người đã tìm cách cho bông trà sen vào thùng đá để mang vào TPHCM hay bay ra nước ngoài. Đó là cách để ai đó trót thương nhớ trà sen Tây Hồ vẫn được gặp lại, dù đang ở rất xa, hay đang ở ngay cạnh Hồ Tây, nhưng mùa sen thì đã rã tàn.

 

Theo MINH DUY (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm