Tạo sinh kế cho người khiếm thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Hội Người mù tỉnh Gia Lai chú trọng công tác đào tạo nghề nhằm giúp người khiếm thị phát huy khả năng của bản thân, đóng góp cho gia đình và xã hội.   
Toàn tỉnh có 851 người mù, trong đó, tỷ lệ người mù là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 72,3%; 51,4% người mù trong độ tuổi lao động. Hội Người mù tỉnh hiện có 327 hội viên, số còn lại là người cao tuổi và trẻ em không phải hội viên nhưng vẫn được quan tâm giúp đỡ.  
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-cho hay: “Để giúp đỡ hội viên, Hội thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong năm 2020, Hội đã phối hợp với Hội Đông y tỉnh và Trường Trung cấp Tây Sài Gòn tổ chức khóa dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền cho hội viên. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên nắm vững được kỹ thuật, được cấp chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Bộ Y tế. Qua đó, Hội góp phần nâng cao kỹ năng tay nghề cho các hội viên đang làm việc tại các cơ sở xoa bóp, tẩm quất để ổn định việc làm, thu nhập, đồng thời, giúp nhiều hội viên biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình”.
Các học viên tham gia khóa đào tạo nghề xoa bóp, bấm huyệt. Ảnh: Hà Phương
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Thương-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, mục đích của chương trình đào tạo nhằm giúp hội viên có việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe, thu nhập bằng chính sức lao động của bản thân và tự tin vươn lên trong cuộc sống. Bác sĩ Thương chia sẻ: “Dù gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách cũng như kinh phí mở lớp nhưng Ban Giám hiệu nhà trường quyết tâm tổ chức lớp học này. Và đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức tại Gia Lai với mong muốn đồng hành cùng Hội Người mù tỉnh giúp hội viên cơ hội học nghề, có việc làm, thu nhập, vươn lên hòa nhập cộng đồng”.
Được Hội Người mù tỉnh giúp đỡ, anh Trương Văn Nghĩa (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) đã có hơn 6 năm gắn bó với nghề xoa bóp, bấm huyệt. Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng nhờ sự động viên của gia đình và tổ chức, anh Nghĩa dần dần lấy lại tinh thần và tìm thấy niềm tin trong cuộc sống. Nhờ tay nghề được đào tạo bài bản, anh đã hỗ trợ chữa trị cho nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe như đau lưng, vai gáy... Nhờ vậy, khách quen tin tưởng tìm đến cơ sở ngày càng nhiều.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: Nếu so với nghề làm tăm tre, chổi đót thì nghề xoa bóp bấm huyệt có ưu điểm phù hợp với khả năng lao động của người khiếm thị, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Chính vì vậy, Hội chủ trương và phát triển nghề xoa bóp, bấm huyệt trở thành nghề chính tạo việc làm cho người khiếm thị”. 
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm