(GLO)- Để chuẩn bị cho việc tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Tây Nguyên”, sáng 17-3, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai có buổi làm việc với Tập đoàn TH về việc đầu tư, phát triển kinh tế và các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với Tập đoàn TH. Ảnh: Lê Hòa |
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Quang-Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á, trưởng đoàn công tác phía Tập đoàn TH-thông tin: Năm 2013, Tập đoàn cùng với sự tư vấn của các chuyên gia đã khảo sát và lập dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại huyện Kbang”. Tuy nhiên, thời điểm này, các công trình thủy lợi của huyện chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước. Cụ thể, qua khảo sát, nguồn nước của hệ thống thủy lợi khi đó chỉ đáp ứng được cho trang trại quy mô 1.000-1.500 con trở lại, trong khi quy mô chăn nuôi Tập đoàn triển khai vào khoảng 15-20 ngàn con. Do đó, chúng tôi chưa thể triển khai dự án chăn nuôi bò sữa tại đây.
“Căn cứ nội dung cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo tỉnh Gia Lai mới đây về chuẩn bị cho hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, Tập đoàn TH đã đề xuất tỉnh cho phép được nghiên cứu, khảo sát, tài trợ lập quy hoạch để triển khai đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ cao nông-lâm nghiệp quy mô lớn về trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây gỗ quý, cây bản địa, phát triển dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái theo chuỗi giá trị liên kết phát triển bền vững. Đồng thời, chúng tôi sẽ trồng tập trung trên diện tích rừng sản xuất được tỉnh Gia Lai giao và xây dựng nhà máy chế biến sâu tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu”-ông Quang đề cập.
Tại buổi làm việc, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-khẳng định: Gia Lai có tiềm năng quỹ đất và điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc triển khai các dự án nông nghiệp quy mô lớn. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu dưới tán rừng, cây ăn quả, chăn nuôi quy mô lớn cũng rất khả quan. Do đó, các lĩnh vực Tập đoàn TH đề xuất rất có tiềm năng phát triển. Sở sẽ thành lập tổ công tác làm đầu mối trực tiếp điều hành, xử lý các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư do Tập đoàn TH triển khai tại địa bàn tỉnh.
Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Hòa |
Về các thế mạnh này, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật-cho hay: Gia Lai canh tác được hầu hết các loại cây ăn quả nhiệt đới, lại có quỹ đất nông nghiệp rất rộng, khí hậu ôn hòa. “Hiện nay, 4 công ty cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn tỉnh đều có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích trồng cây cao su sang canh tác các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là nguồn diện tích đất canh tác có thể tham khảo để liên kết, phối hợp sản xuất. Riêng về cây dược liệu, nhiều đoàn công tác, chuyên gia về khảo sát thực tế tại Gia Lai đã nhận định tỉnh có điều kiện rất phù hợp để phát triển”-ông Khải cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bình-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi-thông tin: Gia Lai hiện đã có nguồn nước mặt khá dồi dào. Riêng nguồn nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh khoảng 600 triệu m3, trong đó, nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp mới chỉ khai thác khoảng 60%. “Đặc biệt, công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) với khoảng 175 triệu m3, cung cấp nước tưới cho khoảng 8.000 ha cây trồng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ khai thác phục vụ tưới cho gần 2.000 ha. Hơn nữa, đất đai, khí hậu khu vực này phù hợp với canh tác cây ăn quả và chăn nuôi lớn”-ông Bình khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: Tỉnh rất kỳ vọng Tập đoàn TH sẽ quan tâm triển khai các dự án để góp phần cùng với địa phương thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày một phát triển. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tối đa để Tập đoàn trên cơ sở các quy định của Nhà nước triển khai dự án được thuận lợi, hiệu quả.
LÊ HÒA