Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tập sách "Trò chơi dân gian dân tộc Xơ Đăng": Một góc nhìn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- “Trò chơi dân gian dân tộc Xơ Đăng” là tựa sách mới nhất vừa được xuất bản vào tháng 7-2018 của 2 nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh Kon Tum là Phùng Sơn và A Jar. 
Là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, yêu mến và gắn bó với các giá trị di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa tỉnh Kon Tum, thời gian qua, tác giả Phùng Sơn và A Jar đã cất công sưu tầm, xuất bản nhiều ấn phẩm nhằm giới thiệu đến bạn đọc gần xa những tinh hoa trong kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc.
 
Mới đây, cả 2 cùng có chung ý tưởng cộng tác để sưu tầm, biên soạn tập sách trò chơi dân gian các dân tộc thiểu số khi nhận thấy sự phát triển của cuộc sống số đang len lỏi vào tận buôn làng, thanh-thiếu niên có chiều hướng tiếp cận ngày càng nhiều những trò chơi game, dần dần lãng quên các trò chơi truyền thống. Ý tưởng ấy đã được 2 anh bắt tay vào “hiện thực hóa” trên 1 năm qua để rồi ra mắt tập sách sưu tầm và biên soạn với tựa đề: “Trò chơi dân gian dân tộc Xơ Đăng”, qua đó góp phần bảo tồn các trò chơi dân gian các dân tộc tỉnh Kon Tum. Tập sách được thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Xơ Đăng cùng hình ảnh minh họa sinh động, giúp người đọc dễ tiếp cận và dễ thực hành về các trò chơi mộc mạc, dân dã của các dân tộc Kon Tum.
Trải qua bao biến động của lịch sử, đời sống kinh tế còn khó khăn, nhưng cộng đồng người dân tộc thiểu số trên vùng đất Bắc Tây Nguyên này vẫn bảo tồn được những di sản văn hóa vô cùng độc đáo, trong đó phải kể đến trò chơi dân gian. Các trò chơi dân gian của dân tộc Xơ Đăng thường không cầu kỳ, có thể chơi ở mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần vài viên sỏi, vài chiếc que, trái cây, dây leo, gậy… là thanh thiếu nhi có thể bày ra những trò chơi rất sôi nổi như: đánh trận giả, lặn nước tìm báu vật, chạy cà kheo lên đồi, phá rào làng… hay những trò chơi gắn với tập quán sinh hoạt như: gom trái, đi săn, bắt chuột… Xét về góc độ văn hóa, các trò chơi dân gian này đều mang ý nghĩa chung là đề cao tính tập thể, kết nối cộng đồng. Dù là trò chơi cá nhân hay tập thể thì đều được sự quan tâm, theo dõi, động viên, cổ vũ của đông đảo người dân trong làng. Chúng không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí, giải tỏa căng thẳng của con người sau thời gian lao động, mà còn góp phần hình thành nên ý chí kiên cường, sự dẻo dai và ý thức vươn lên giành chiến thắng của mỗi con người, mỗi cộng đồng. 
Bằng những nỗ lực sưu tầm và biên soạn của 2 tác giả, hy vọng tập sách “Trò chơi dân gian dân tộc Xơ Đăng” sẽ là cầu nối giúp thế hệ trẻ và người đọc hiểu thêm về những thú chơi và nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc Kon Tum. Qua đó, những người trẻ có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa.
Xuân Phúc

Có thể bạn quan tâm