Sức khỏe

Tập trung ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mặc dù đã dự báo chu kỳ bùng phát và chủ động triển khai kế hoạch phòng ngừa dịch bệnh nhưng những diễn biến thất thường của bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã khiến ngành chức năng hết sức vất vả. Bên cạnh đó, sự lơ là, thiếu phối hợp của người dân trong công tác phòng bệnh khiến SXH có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng.

Số ca mắc tăng nhanh, nhiều trường hợp nặng

Hàng năm, dịch SXH thường bùng phát từ tháng 7 đến tháng 10. Tuy nhiên, tháng 5 năm nay, số ca mắc SXH đã xuất hiện và tiếp tục tăng nhanh trong những ngày gần đây. Chỉ trong 2 tuần (từ ngày 20-6 đến 3-7), toàn tỉnh ghi nhận 646 ca SXH. Tính từ đầu năm đến ngày 3-7, toàn tỉnh ghi nhận 1.125 ca mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong (cùng kỳ năm 2021 chỉ có 195 ca, không có trường hợp tử vong).

Bệnh SXH xảy ra tại 99/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Huyện Ia Grai ghi nhận số ca mắc SXH cao nhất tỉnh với 215 ca, tiếp đến là huyện Chư Pưh 139 ca, TP. Pleiku 125 ca. Các ca mắc xuất hiện cùng lúc 3/4 tuýp SXH gồm: tuýp I, II và IV rất nguy hiểm. Bệnh nhân mắc tuýp này có thể bị mắc tuýp khác và lần sau luôn nặng hơn lần trước. Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cảnh báo: Dịch SXH năm nay diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện mới chỉ đầu mùa dịch nhưng nhiều ca nặng. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân nắm bắt thông tin và phối hợp thực hiện công tác phòng-chống, tránh dịch bùng phát và lây lan trên diện rộng.

 Ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế sẵn sàng thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc SXH. Ảnh: Như Nguyện
Ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế sẵn sàng thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc SXH. Ảnh: Như Nguyện


Ông Phạm Ngọc Văn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai-cho biết: Cán bộ y tế xuống cơ sở hướng dẫn người dân diệt lăng quăng/bọ gậy cách nhau 15 ngày tại các ổ dịch, giám sát dịch tễ, phun hóa chất diệt muỗi chia làm 2 đợt. Đến nay, tình hình tạm thời được kiểm soát nhưng một số xã đang phát sinh ca mắc mới. Do thời tiết mưa nắng đan xen, các vật dụng phế thải ở nhà dân như: lốp xe, chai lọ... chứa nước đọng, rác thải không được vệ sinh, thu gom xử lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh trưởng, phát triển và làm lây lan dịch bệnh.

Tại huyện Chư Pưh, chỉ trong 2 tuần qua đã ghi nhận 100 ca mắc SXH. Ông Nguyễn Văn Hữu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-thông tin: Số ca mắc SXH tập trung tại xã Ia Le, Ia Phang và thị trấn Nhơn Hòa. Do tâm lý chủ quan của người dân trong phòng-chống dịch bệnh khiến dịch SXH còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Quyết liệt phòng-chống dịch

Tại làng Dọch Krót (xã Ia Krai, huyện Ia Grai), số ca mắc SXH tăng nhanh từ tháng 5 đến nay. Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch đầu tiên, ngành Y tế đã nhanh chóng khoanh vùng, xử lý không để dịch lây lan rộng. Toàn bộ khu vực với hơn 300 hộ gia đình đã được phun hóa chất diệt muỗi 2 đợt trong tháng 5. Chiến dịch vệ sinh môi trường, lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt lăng quăng/bọ gậy cũng được triển khai đến từng hộ gia đình. Chị Siu Yen chia sẻ: “Vừa rồi, gia đình mình có người bị SXH. Cán bộ thôn và nhân viên y tế xuống tận nhà tuyên truyền gia đình dọn vệ sinh môi trường, phát hết cỏ quanh nhà, lật úp mấy thùng nước không để lăng quăng/bọ gậy sinh sản. Ngoài ra, cán bộ y tế cũng vận động người dân trong làng thường xuyên vệ sinh môi trường, ngủ phải mắc màn để không bị muỗi đốt gây bệnh SXH”.

 

4-7-2022Nhân viên y tế phườn Ia Kring- TP. Pleiku phát tài liệu tuyên truyền pc SXH cho người dân trên địa bàn. Ảnh Như Nguyện.jpg
Nhân viên y tế phường Ia Kring, TP. Pleiku phát tài liệu tuyên truyền phòng-chống SXH cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Như Nguyện
Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế: “Phòng-chống SXH quan trọng nhất là nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, làm cho họ thấy trách nhiệm của mình trong việc vệ sinh môi trường, thường xuyên diệt lăng quăng/bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng-chống muỗi đốt. Người dân làm tốt công tác này sẽ mang lại hiệu quả cao trong phòng-chống dịch SXH”.
 

Theo ông Lê Văn Khoa-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Krai: Ban Chỉ đạo phòng-chống SXH đề nghị các thôn, làng vận động người dân vệ sinh môi trường nước tù đọng sinh lăng quăng/bọ gậy, xử lý các ổ dịch.      

Tại huyện Chư Pưh, cùng với khoanh vùng dập dịch, công tác tuyên truyền phòng-chống SXH được tăng cường bằng nhiều hình thức. “Trung tâm Y tế huyện tiếp tục chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh, giám sát ổ dịch và triển khai các hoạt động phòng-chống SXH theo quy định. Chúng tôi chú trọng vận động người dân vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy nơi mình sinh sống và phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch”-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho hay.

Trước tình hình khẩn cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh SXH; huy động tổng lực để xử lý môi trường, dập dịch tại các ổ dịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, đề nghị Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ hóa chất để phòng-chống dịch. Trung tâm y tế cấp huyện đề xuất chính quyền hỗ trợ kinh phí để chi trả nhân công cũng như chủ động mua sắm hóa chất phòng-chống dịch tại địa phương.  

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế: Dịch SXH tại Gia Lai có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp. Vì vậy, Sở chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát và xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lan rộng. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế... để phục vụ công tác khám-chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân SXH. Đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị cùng người dân phối hợp ngăn chặn dịch bệnh.

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm