Kinh tế

Nông nghiệp

Tập trung phòng trừ rệp sáp gây hại cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Toàn tỉnh hiện có 2.225 ha cà phê bị rệp sáp gây hại. Để kịp thời ngăn ngừa bệnh lây lan ra diện rộng, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cùng các địa phương tích cực hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ rệp sáp.

Hàng ngàn ha cà phê bị rệp sáp

Ông Võ Xuân Thịnh-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai-cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 10,7 ha cà phê bị rệp sáp. Nguyên nhân là do khí hậu nóng ẩm thất thường và do người dân ít sử dụng hình thức tưới phun mưa nên tạo môi trường thuận lợi cho rệp sáp sinh trưởng. Còn ông Trần Văn Phòng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông thì thông tin: “Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, rệp sáp gây hại cho cây cà phê xuất hiện từ cuối tháng 1-2023 và có xu hướng tăng. Toàn huyện có 1.225 ha cà phê bị rệp sáp gây hại. Diện tích cà phê bị nhiễm rải rác ở thị trấn Chư Prông và một số xã như: Ia Phìn, Ia Drăng, Ia Tôr, Ia Me… So với các địa phương trong tỉnh thì huyện Chư Prông có diện tích cà phê bị rệp sáp nhiều nhất nhưng chủ yếu là thể nhẹ, tức là mỗi vườn nhiễm một ít với tỷ lệ từ 2,5% đến 5%..

Huyện Ia Grai có hơn 10 ha cà phê bị nhiễm rệp sáp. Ảnh: Thiên Di

Huyện Ia Grai có hơn 10 ha cà phê bị nhiễm rệp sáp. Ảnh: Thiên Di

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cà phê của gia đình, ông Hoàng Trọng Bình (thị trấn Chư Prông) cho hay: “Đã trồng cà phê thì phải xác định cây nhiễm rệp sáp là điều tất yếu. Tuy nhiên, năm nay, diện tích cà phê bị nhiễm rệp sáp ở vùng này nhiều hơn mấy năm trước. Riêng khu vườn của gia đình tôi nhiễm nặng hơn, khoảng 30-40% số cây cà phê bị rệp sáp bám dày đặc. Khả năng là do năm nay thời tiết nóng ẩm thất thường nên tạo môi trường thuận lợi cho rệp sáp sinh sôi, gây hại. Tôi đang triển khai các biện pháp phòng trừ rệp sáp để bảo đảm năng suất cho cây trồng”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có: Tính đến ngày 22-2, toàn tỉnh có 2.225/98.728 ha cà phê nhiễm rệp sáp với tỷ lệ 5%. Các địa phương có diện tích cà phê bị rệp sáp nhiều là Chư Prông 1.225 ha, Mang Yang 412,3 ha, Chư Sê 229 ha, Chư Pưh 106 ha, Đức Cơ 100 ha, Ia Grai 10,7 ha.

Triển khai các biện pháp phòng trừ

Gia đình anh Vũ Tiến Mến (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) có 4 ha cà phê, trong đó khoảng 1 ha bị rệp sáp. Anh cho biết: “Tôi liên hệ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỏi cách phòng trừ và áp dụng theo. Cụ thể, tôi sử dụng vòi nước xịt mạnh vào cây cà phê cho rụng hết lớp cánh hoa khô phía trên để ánh nắng mặt trời chiếu vào, tránh ẩm ướt. Tiếp đó là cắt tỉa cành, nhánh giúp vườn cây thông thoáng và sử dụng các loại thuốc sinh học mà cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn. Đến nay, khu vườn của gia đình đã cơ bản diệt được hết rệp sáp”.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông (bìa phải) hướng dẫn người dân cách phòng trừ rệp sáp trên cây cà phê. Ảnh: Thiên Di

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông (bìa phải) hướng dẫn người dân cách phòng trừ rệp sáp trên cây cà phê. Ảnh: Thiên Di

Trước tình hình rệp sáp gây hại trên cây cà phê, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đang vào cuộc quyết liệt hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê-cho hay: “Chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật xuống tư vấn cho bà con cách phòng trừ rệp sáp; chủ yếu là hướng dẫn vệ sinh vườn cây, cắt tỉa cành cà phê sau thu hoạch, tưới nước đúng cách và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi cũng phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện, đài truyền thanh các xã phát thông báo hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại. Nhờ vậy mà diện tích cà phê nhiễm rệp sáp trên địa bàn huyện cơ bản được khống chế và ở thể nhẹ”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: Để kịp thời phòng trừ rệp sáp gây hại cây cà phê, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ có hiệu quả như: thường xuyên vệ sinh vườn cây cho thông thoáng, thăm vườn cây để kịp thời phát hiện sự xuất hiện của sinh vật gây hại rồi có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, người dân cần sử dụng thuốc sinh học nhóm Abamectin, Azadirachtin, nấm tím, nấm trắng và các loại hóa chất có hoạt chất Alpha-Cypermethrin, Dimethoate, Benfuracarb… để phòng trừ. Đối với các loại hóa chất thì sử dụng ở những vườn bị nhiễm nặng, mật độ rệp sáp cao và phun đủ liều lượng theo hướng dẫn.

Có thể bạn quan tâm