Kinh tế

Tập trung xử lý tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ các mặt hàng bình dân đến cao cấp, giá trị nhỏ hay lớn, thương hiệu trong nước hoặc nước ngoài đều bị làm giả, làm nhái với thủ đoạn tinh vi khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ.

Kiểm tra đâu sai đó

 

Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Lê Lan
Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Lê Lan

Theo báo cáo của Sở Công thương, năm 2013, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 3.837 trường hợp thì phát hiện 2.169 vụ vi phạm. Trong đó vi phạm chủ yếu là buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong kinh doanh, vi phạm về an toàn thực phẩm. Ông Phan Minh Túc-Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh cho biết: Tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn ra rất tinh vi nhưng trang-thiết bị kiểm tra nhanh không có rất khó cho hoạt động chống buôn lậu. Gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu xảy ra ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong khi lực lượng Quản lý Thị trường quá mỏng nên không thể ngăn chặn kịp thời và triệt để.

Còn ông Rah Lan Lâm-Phó Giám đốc Công an tỉnh thì nhận định: Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng Trung Quốc, hàng kém chất lượng chiếm tỷ lệ khá lớn trên thị trường. Do đó, lực lượng Quản lý Thị trường cần tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình hoạt động thì mới mang lại hiệu quả. Liên quan vấn đề này, ông Bùi Viết Hội-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông nói: Tình trạng tiêu cực, gian lận trong kinh doanh buôn bán các mặt hàng nông sản từ năm 2013 đến nay diễn biến khá phức tạp, gây thất thoát cho ngân sách của địa phương. Nếu không có lực lượng Công an tham gia thì việc truy quét và xử lý các đối tượng gian lận thật sự khó khăn. Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế-Hội đồng Nhân dân tỉnh, ông Phan Minh Túc khẳng định: “Hiện tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đã tuồn về nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.

Theo ông Rah Lan Chung-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Pah, hàng giả, hàng kém chất lượng đã xuất hiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ngày càng nhiều thông qua các “chợ lưu động”. Trang-thiết bị phục vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ hiện nay khá thô sơ, trong khi buôn lậu qua đường bưu điện khá phổ biến và rất tinh vi. Do đó cần xác định rõ các phương thức vận chuyển của nhóm đối tượng này để có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả. Các vụ vi phạm hiện nay mà Quản lý Thị trường phát hiện chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hành chính, chưa có vụ nào truy cứu trách nhiệm hình sự do đó tính giáo dục và răn đe đối với cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh chưa cao.

Khắc phục những yếu kém

 

Kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: K.N.B
Kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: K.N.B

Nguyên nhân của sự tồn tại trong thời gian qua là do đặc thù công tác với khối lượng công việc nhiều, đa dạng và phức tạp, địa bàn rộng, chưa được trang bị các phương tiện, dụng cụ để kiểm tra các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Việc chủ trì phối hợp hoặc tham mưu với các đoàn kiểm tra liên ngành đôi lúc còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến công tác kiểm tra kiểm soát thị trường chưa đáp ứng với nhiệm vụ được giao và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trên từng địa bàn, từng lĩnh vực cụ thể. Việc xử lý thông tin của một số đội Quản lý Thị trường địa bàn có lúc chưa kịp thời, chưa phản ánh đầy đủ và chính xác tình hình thị trường thuộc phạm vi quản lý... Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là nhận thức về vấn đề chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại còn thiếu đồng nhất về phương pháp thực thi giữa các cơ quan và trong cùng một lực lượng. Công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng chưa thực hiện thường xuyên và chưa phối hợp đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, điểm nóng. Chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.

Để ngăn chặn hàng lậu xâm nhập thị trường, hàng giả tràn lan trên thị trường như hiện nay, theo lãnh đạo các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người kinh doanh và cả người tiêu dùng trên cả lĩnh vực chính sách pháp luật, thanh-kiểm tra xử lý vi phạm và đạo đức kinh doanh, thói quen tiêu dùng. Bởi hàng hóa phải có nơi tiêu thụ, khi người dân chưa nâng cao ý thức về việc tiêu thụ hàng nhái, hàng giả thì việc chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn gặp khó khăn. Và muốn làm được điều này thì cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước và đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm