Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tát nước gàu dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tát nước là công việc quen thuộc của người làm nông ngày xưa. Ở quê tôi, cứ đến vụ lúa tháng 6 là cánh đồng thiếu nước, nhà nào cũng lo nạo vét, khơi mạch lỗ đìa ở góc ruộng, ngày đêm dùng gàu dây tát nước cho lúa.
Gàu đan bằng tre, có hình dáng hao hao đầu cá tràu mà đáy gàu là miệng cá. Vành gàu là thanh tre, bản to hơn vành nong, hai bên hông và đáy gàu được nẹp bằng khung tre, tất cả đều được dùi lỗ nức mây vào thân gàu rất chắc chắn. Trên vành gàu có cái thang bắc qua vừa để cố định miệng gàu vừa để cột dây. Dùng cám hoặc phân bò trộn với dầu rái trét cho kín, chống chảy nước và mối mọt. Một chiếc gàu tốt là phải chắc, đẹp, khi tát phải nhẹ và êm.
Dây gàu thường làm bằng lạt tre, để khi tát có sức bật mạnh, đưa gàu cho nhẹ. Chặt cây tre, chẻ ra nhiều sợi lạt dài, mỏng, bỏ ruột giữ cật, chuốt nhẵn, nhúng nước “dún” cho mềm, xoắn lại thành dây. Một chiếc gàu có 4 dây, 2 dây miệng và 2 dây đáy cột ở hai phía đối xứng nhau. Chặt lóng trảy to vừa lòng nắm tay, dài bằng chiều ngang bàn tay, xỏ 4 đầu dây vào làm tay gàu, cầm tát cho êm.
Tát nước gàu dây phải có 2 người ở hai phía đối diện nhau, khoảng cách phụ thuộc vào chiều rộng của cái sòng, thế đứng hơi nghiêng về sau. Mỗi người cầm một dây miệng và một dây đáy. Dây miệng ngắn hơn dây đáy một cẳng tay, vì vậy, nếu tay trái cầm dây miệng thì chân trái tiến lên một bước, chân sau hơi choãi ra trụ cho vững. Khi tát, các động tác tay phối hợp với chân, lưng, bụng nhịp nhàng và đòi hỏi hai người phải ăn khớp với nhau.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Một chu kỳ tát nước bắt đầu bằng việc tung bốn dây ra, khi miệng gàu vừa tiếp xúc mặt nước thì nhấc dây đáy hơi cao hơn, cùng lúc hất nhẹ dây miệng một cái thật nhanh là nước đầy gàu. Tiếp đến, 2 người hơi ngửa phía sau, lập tức 2 dây miệng căng ra, theo đà, gàu vọt nhanh từ dưới lỗ lên sòng, khi vừa tầm, hếch dây đáy một chút, nước tuôn ào xuống. Đường đi của gàu vẽ thành hình hạt xoài, hết vòng này đến vòng khác, liên tục để tạo đà. Tát nước dùng đà chứ không dùng sức, dây lúc căng, lúc chùng theo nhịp của đôi tay.
Làm nông rất vất vả nhưng thường thì làm nghề nào yêu nghề đó. Mùa nắng hạn, trên đồng lúc nào cũng có nhiều người tát nước, đông nhất là thời điểm chiều mát, đêm trăng và sáng sớm. Tiếng nước chen với tiếng cười nói rộn ràng.
Có những cặp tát nước không biết mệt, ấy là khi họ phối hợp nhịp nhàng, các động tác thực hiện một cách nhuần nhuyễn. Những đôi nam nữ đang có tình ý với nhau, tát nước còn phải sao cho thật đẹp. Nhìn từ xa, trông họ như đang múa, đôi tay điều khiển 4 dây và chiếc gàu lượn vòng uyển chuyển, nước bung ra trắng xóa như hoa mận. Thường thì qua mùa tát nước, họ nên vợ nên chồng.
Gàu dây và tát nước gàu dây dùng để chống hạn. Không chỉ thế, tự thân nó còn toát lên vẻ đẹp của sự cân xứng, hài hòa. Người làm ra một chiếc gàu tốt là một nghệ nhân thực thụ, còn người tát nước như là nghệ sĩ trên đồng ruộng. Mùa tát nước là mùa của gắn kết, yêu thương trong cuộc sống lao động của người nông dân.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm