Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Tàu chiến Mỹ hoạt động gần Hoàng Sa, Trung Quốc nói 'đã trục xuất'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quân đội Trung Quốc nói đã “theo dõi, cảnh báo và trục xuất” một tàu khu trục tên lửa Mỹ khỏi vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

Quân đội Trung Quốc nói họ đã “trục xuất” một tàu khu trục tên lửa của Mỹ khỏi vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 10/5. Newsweek cho biết ngay sau đó, hải quân Hoa Kỳ xác nhận một trong các tàu của họ đã thách thức “các yêu sách hàng hải sâu rộng” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong tuyên bố, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Trung Quốc nói tàu USS Halsey “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”, gọi Mỹ là “kẻ hủy diệt hòa bình lớn nhất” trong khu vực.

Tàu USS Halsey. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tàu USS Halsey. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Hạm đội 7 Mỹ bác bỏ: “Tuyên bố của Trung Quốc về hoạt động này là sai sự thật”. Người này khẳng định tàu Halsey đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải “phù hợp với luật pháp quốc tế và sau đó tiếp tục các hoạt động bình thường ở vùng biển ngoài khu vực".

Người phát ngôn nói thêm: “Hoa Kỳ đang bảo vệ quyền bay, đi lại và hoạt động của mọi quốc gia ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như USS Halsey đã làm ở đây. Không có gì mà Trung Quốc nói khác đi có thể ngăn cản chúng tôi”.

Trước đó Halsey, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, đã đi qua eo biển Đài Loan hôm 8/5 và vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc.

Động thái vừa rồi của Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông tiếp tục lên cao. Cùng hôm 10/5, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Ano kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã xây dựng “nhiều hành động lôi kéo và phổ biến thông tin sai lệch".

Liên quan căng thẳng gần đây ở Biển Đông, Việt Nam nhiều lần kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Mọi yêu sách và hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Có thể bạn quan tâm