Chủ quyền hòa bình, hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là khẳng định của gần 100 đại biểu gồm các học giả, các nhà nghiên cứu uy tín đến từ các nước Mỹ, Đức, Nga, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Australia, Italia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippin…cùng các học giả Việt Nam ở trong nước và ngoài nước tại hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử”.

Những bằng chứng không thể chối cãi

Ngày 20-6, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra tại thành phố Đà Nẵng đã tập trung bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng, với các nội dung chính bao gồm: vị trí và tầm quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thực tế tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo và các tác động của nó đối với hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương; luật pháp quốc tế về việc xác lập chủ quyền và giải quyết tranh chấp lãnh thổ; việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua các thời kỳ; triển vọng, giải pháp giải quyết tranh chấp hai quần đảo.

 

Đã có 21 tham luận cùng hàng chục ý kiến tham gia bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng liên quan chủ đề Hội thảo. Ảnh: Đại Thắng
Đã có 21 tham luận cùng hàng chục ý kiến tham gia bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng liên quan chủ đề Hội thảo. Ảnh: Đại Thắng

Phát biểu tại Hội thảo, với những chứng cứ, tư liệu lịch sử, khoa học... Giáo sư Carl A. Thayer - nguyên giáo sư Học viện Quốc phòng Australia, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á khẳng định nếu tính từ lịch sử xa xưa tới thế kỷ 17 và thế kỷ 18, có thể thấy rất rõ rằng Việt Nam có cơ sở đáng kể về chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong thế kỷ thứ 17, chúa Nguyễn đã ra lệnh cho các quan chức trong triều thu nạp thủy thủ cho từ 5 đến 18 thuyền, tạo nên đội Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa khoảng 5 tháng để đánh cá, vẽ bản đồ, khảo sát và lấy hàng hóa từ các tàu buôn bị chìm.

Các vị vua triều Nguyễn tiếp tục duy trì đội Hoàng Sa. Vua Gia Long đã chính thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa từ năm 1816. Dưới thời của người kế vị-vua Minh Mạng, đội Hoàng Sa lại tiếp tục khảo sát và vẽ bản đồ quần đảo, xây dựng một miếu thờ năm 1835, dựng một bia đá khắc lên yêu sách lãnh thổ của Vương quốc An Nam... Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 đã tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai khu vực dọc theo vĩ tuyến 17. Quần đảo Hoàng Sa nằm dưới vĩ tuyến này, do đó, nó thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa. Năm 1956, Việt Nam Cộng hòa phản đối sự chiếm đóng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với các đảo thuộc nhóm An Vĩnh. Cũng năm đó Việt Nam Cộng hòa thay thế các lực lượng Pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Bộ Khai khoáng khoa học và Công nghiệp nhỏ tiến hành một cuộc khảo sát đối với bốn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Từ các hoạt động nghiên cứu lịch sử và pháp lý, các học giả quốc tế Dmitry Mosyakov (Nga), K. Raja Reddy (Ấn Độ), Jean-Pierre Ferrier (Pháp) đã dẫn chứng các tư liệu pháp lý lịch sử khẳng định các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền hòa bình, liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, các ý kiến đều cho rằng Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh Trung Quốc chiếm hữu hai quần đảo này trước khi dùng vũ lực đánh chiếm phi pháp quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Trên cơ sở đó, các học giả phê phán chiến lược và hành động trên Biển Đông với mức độ ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Tướng Daniel Schaeffer-Chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp chuyên sâu về vấn đề Biển Đông đã phê phán mạnh mẽ tính phi lý “đường lưỡi bò”, cho rằng Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” không kèm theo bất cứ lời giải thích nào nên hoàn toàn không có giá trị. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã ráo riết hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” bằng các hành động xâm phạm chủ quyền các nước Philippin, Việt Nam, Malaysia. Tướng Daniel Schaeffer nhấn mạnh: “Việc giải quyết vấn đề sự tồn tại của đường 9 đoạn không phải trách nhiệm riêng của Philippin, khi họ đưa vụ kiện ra tòa án Luật biển quốc tế ngày 20-1-2013, cũng không phải là trách nhiệm riêng của riêng khối ASEAN để chính thức yêu cầu loại bỏ đường 9 đoạn, mà là trách nhiệm chung của toàn thế giới”.

Giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế

 

Hội thảo diễn ra trong sự quan tâm, chú ý của báo giới trong nước và quốc tế. Ảnh: Đại Thắng
Hội thảo diễn ra trong sự quan tâm, chú ý của báo giới trong nước và quốc tế. Ảnh: Đại Thắng

Tham gia bàn thảo về vai trò vị trí và vấn đề an ninh trên khu vực biển Đông, các đại biểu nhất trí rằng, việc căn cứ vào những chứng cứ pháp lý, lịch sử dựa trên luật pháp quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ để giải quyết tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Những hành động sử dụng sức mạnh cố ý phá vỡ nguyên trạng, gây bất ổn khu vực, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của bất kỳ bên nào đều không thể chấp nhận.

Các ý kiến cho rằng hành động của Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi ở quần đảo Trường Sa năm 1988 là vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; đồng hợp nhấn mạnh hành động xâm chiếm bằng vũ lực không thể tạo ra chủ quyền.

Để duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, tăng cường xây dựng lòng tin, không có những hành động đơn phương, phá vỡ nguyên trạng. Các học giả kêu gọi Trung Quốc sớm cùng với các nước ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với tính ràng buộc cao để ngăn ngừa những hành động leo thang, gây căng thẳng ở Biển Đông.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng các nước đang tranh chấp cần coi trọng hơn các công cụ pháp lý và cơ chế trọng tài quốc tế theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam có thể sử dụng công cụ pháp lý thông qua Tòa Trọng tài theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích của mình trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Jerome Cohen-Chủ tịch Viện luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, đề xuất Việt Nam có thể tham gia vụ kiện với Philippin hoặc tự khởi kiện Trung Quốc, và khuyến nghị các nước liên quan nên tận dụng sự trợ giúp của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hay hệ thống thể chế pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.  

Ông Cohen nhấn mạnh việc Việt Nam sử dụng cơ chế tài phán quốc tế chứng tỏ cố gắng của Việt Nam tận dụng mọi biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy sử dụng công cụ pháp lý là phức tạp và đi kèm với những rủi ro nhưng đối với các nước nhỏ thì việc sử dụng pháp lý là cơ hội để bảo vệ các lợi ích của mình phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên hợp quốc.

Đại Thắng

Có thể bạn quan tâm