Sức khỏe

Tây Nguyên bước vào mùa thu hoạch cà phê: Cảnh báo rắn độc tấn công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch cà phê, cũng là mùa sinh sôi của các loài rắn, trong đó có loài rắn lục đuôi đỏ cực độc chuyên săn mồi trên các tán của cây cà phê.
Đang nằm ở khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng (BVV) Tây Nguyên, ông Trần Văn Thụ (phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) kể: Khoảng 17h30 phút ngày 20/11, ông ra bật bóng đèn đường thì bị rắn cắn vào chân. Ngay sau đó, ông hô hoán gia đình đưa vào bệnh viện. Rất may được các bác sĩ cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng.

Ông Trần Văn Thụ đang điều trị tại Bệnh viện vùng do rắn cắn.
Ông Trần Văn Thụ đang điều trị tại Bệnh viện vùng do rắn cắn.
Tương tự, em Y Ra Ly (xã Ea Uy, huyện Krông Pắc) vào BVV cấp cứu ngày 19/11, vì bị rắn lục cắn trong lúc hái cà phê. Y Ra Ly cho hay, khi hái cà phê, không để ý trên cây bởi cành lá sum suê, rắn lục cũng màu xanh rất khó nhận biết. May mắn Y Ra Ly được người nhà đưa lên bệnh viện kịp thời.
Mới đây, một nam thanh niên ở buôn Trấp (xã Ea H’đring, huyện Cư M’gar) bị tử vong do bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Theo lãnh đạo UBND xã Ea H’đing, nam thanh niên cùng vợ đi hái cà phê thuê ở xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar). Khi bị rắn cắn, nam thanh niên này không được sơ cứu, cấp cứu kịp thời nên không qua khỏi.
Theo số liệu từ BVV Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, bệnh viện thu dung, điều trị hơn 150 trường hợp bị rắn cắn, trong đó hơn 60% do rắn lục, đặc biệt là rắn lục đuôi đỏ. Thời gian gần đây, số lượng người bị rắn cắn nhập viện gia tăng, trung bình 1 ngày, bệnh viện thu dung, điều trị 3-5 ca, có ngày 7 ca.
Ông Trịnh Hồng Nhựt- Phó Giám đốc BVV Tây Nguyên cho biết, có những ca vào bệnh viện trong tình trạng rất nặng, biểu hiện của tình trạng phản vệ, rối loạn đông máu, chảy máu. Rất may, bệnh viện có huyết thanh điều trị nên chưa có trường hợp tử vong.
Bác sĩ Nhựt khuyến cáo, nếu không may bị cắn, người dân phải bình tĩnh xử lý: Đưa nạn nhân ra khỏi vùng rắn cắn; cho bệnh nhân nằm yên tĩnh 1 chỗ; băng ép nhẹ vùng bị cắn để cố định, hạn chế vận động mạnh; không được ga rô quá mạnh dẫn đến tình trạng sưng nề nhiều, gây hoại tử; sát khuẩn vùng bị rắn cắn bằng nước muối sinh lý; nhanh chóng đưa người bệnh đến trạm y tế gần nhất.
Một thầy lang chuyên trị rắn cắn ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cũng cho hay, mỗi năm ông tiếp nhận, điều trị cho khoảng 20 trường hợp bị rắn cắn, trong đó có rắn lục đuôi đỏ. Theo vị này, thời điểm người dân bị rắn tấn công bắt đầu từ tháng 4 đến 11 hằng năm.
Theo Huỳnh Thủy (TPO)
https://tienphong.vn/tay-nguyen-buoc-vao-mua-thu-hoach-ca-phe-canh-bao-ran-doc-tan-cong-post1491115.tpo

Có thể bạn quan tâm