Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tây Nguyên: Chuyện của một thời và mãi mãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thỉnh thoảng, tôi vẫn chọn mua một số cuốn sách cũ trên mạng xã hội. Thật khó để nói rằng hình thức của chúng hấp dẫn, thậm chí có cuốn còn bị mối mọt, ẩm mốc. Bù lại, nhiều câu chuyện hay dường như chỉ có trong những tác phẩm nay đã trở thành hiếm hoi này. Và, tập bút ký “Liên khu 5 bất khuất” của tác giả Thành Nghĩa được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in tại Hà Nội vào tháng 5-1966 với số lượng 11.600 cuốn chứa đựng nhiều chi tiết cảm động liên quan đến vùng đất Bắc Tây Nguyên của chúng ta là một ví dụ.

Sách có 4 phần, 112 trang, ở phần mở đầu mang tên “Núi rừng thần thánh”, tác giả viết: “Đứng ở vùng trung châu nhìn về hướng Tây, núi rừng Liên khu 5 gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh của một đàn chim đại bàng đang chớp cánh. Chính dưới những đôi cánh hùng vĩ đó là nơi tập hợp lực lượng cách mạng, xây dựng các cơ quan chỉ đạo, xây dựng căn cứ thần thánh của cuộc kháng chiến…”.

Bìa cuốn sách “Liên khu 5 bất khuất”. Ảnh: N.Q.T

Bìa cuốn sách “Liên khu 5 bất khuất”. Ảnh: N.Q.T

Dưới ngòi bút của tác giả, người dân Bắc Tây Nguyên hiện lên thật kiên dũng. Chuyện từ năm 1957, địch biết có cán bộ lên xây dựng cơ sở nên đến lùng soát, dọa nạt, tra tấn, dụ dỗ dân làng không xong thì quay ra dùng súng giết từng thanh niên một. Nhưng chúng thất bại, khi lòng dân đã thuộc về cách mạng. Chuyện ở một làng khác, người phụ nữ nọ quyết nuôi giấu cán bộ bị thương. Chị đã dũng cảm dùng dao tự chém vào cánh tay mình để người biết thuốc buộc phải cho loại lá có thể cứu được người bị địch bắn đang ở trong rừng.

Người Tây Nguyên anh dũng, tin tưởng cách mạng được tác giả ghi nhận ở cả những khía cạnh bi hùng. Chuyện cụ Xê đốp chát với giặc để che giấu cán bộ liền bị chúng bắt lôi đi. Trói vào gốc cây đầu làng, chúng lấy rượu mạnh đổ vào miệng cụ bắt uống hết cả chai. Địch lợi dụng lúc cụ say và mệt để dò la nhưng người bị trói đã trả lời qua loa rồi ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, bọn chúng bịa chuyện rằng cụ đã khai hết những gì cần biết nên dẫn về đồn. Khi đi qua cầu, cụ đã ân hận hét to lên, rằng rượu đã làm mình sai, mình có lỗi với cách mạng rồi lao đầu xuống tảng đá dưới suối tự vẫn.

Không chỉ có chuyện buồn, Bắc Tây Nguyên thời kháng chiến qua ngòi bút Thành Nghĩa hiện lên ấm áp lạ thường. Đó là những người từ đồng bằng mới lên miền Thượng hoạt động hồi 1958-1959, thường ẩn mình trong hang đá. Qua quan sát, đồng bào biết nên đã âm thầm tiếp tế gạo, bắp, chuối bằng cách treo chúng cạnh con đường mà “người lạ” sẽ đi qua. Ban đầu, cán bộ không dám lấy nhưng sau thì hiểu tấm lòng của bà con nên mọi chuyện ổn thỏa. Được một thời gian, thấy cách nuôi trên không hiệu quả, đồng bào liền đi “phục kích cách mạng”, “bắt cán bộ” về giấu trong cộng đồng mình cho an toàn và “dễ nuôi”.

Đến khoảng năm 1960, phong trào phát triển, lực lượng vũ trang trên đất Tây Nguyên ngày càng đông, khiến mấy kiểu nuôi cán bộ vừa nêu không còn phù hợp nên các cộng đồng đã sáng tạo ra “rẫy cách mạng”. Đó là những khoảng đất rừng tốt nhất, được gieo trồng chăm sóc tốt nhất bởi cả cộng đồng, mục đích duy nhất là để có lương thực tốt nhất, nhiều nhất cho cách mạng. Có chi tiết thật cảm động, thu hoạch “rẫy cách mạng” xong, dân làng đóng kho cất kỹ, đói thì ăn rau, củ rừng chứ nhất định không đụng đến bắp, lúa cách mạng. Lại có chuyện, giặc bao vây, cắt đường nên làng đói muối nhiều mùa. Dù vậy, kho muối trong hang sâu, dân làng vẫn bí mật canh giữ cẩn thận, không đụng đến một hạt, đúng như lời dặn của cán bộ tập kết từ năm 1954.

Viết về tấm lòng người dân ở khu vực Bắc Tây Nguyên, không thể không nhắc đến Bác Hồ. Chính niềm tin tuyệt đối vào Bác đã giúp cho người Tây Nguyên có một ý chí sắt đá vững vàng trong mọi thử thách. Không ai khác, các cộng đồng Tây Nguyên đã hy sinh tất cả cho lý tưởng cách mạng mà họ theo đuổi. Theo tác giả, từ những năm 60 của thế kỷ trước hoặc sớm hơn thế, nhiều người Tây Nguyên đã cất giấu ảnh Bác trong ghè, rồi bí mật đem giấu ngoài rừng, chờ khi có cơ hội thì trang trọng treo giữa nhà.

Những mẩu chuyện trong “Liên khu 5 bất khuất” được viết cách nay gần 60 năm. Lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên sống và chiến đấu ở Bắc Tây Nguyên thời kỳ ấy nay đa phần đã mất. Nhịp sống mỗi ngày càng thêm nhanh và sôi động, cuốn sách đã giúp chúng ta trở lại với một giai đoạn gian nan nhưng tuyệt đẹp trong lịch sử hào hùng của Gia Lai, Tây Nguyên, giúp chúng ta hiểu thêm tấm lòng son sắt của người Bahnar, Jrai đối với Bác Hồ và phong trào cách mạng của đất nước.

Có thể bạn quan tâm