TN - Đất & Người

Tây Nguyên: Nhiều dự án điện "núp bóng" trang trại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để đóng điện trước ngày 31-12-2020 nhằm hưởng giá ưu đãi, nhiều doanh nghiệp tại Tây Nguyên tìm mọi cách đẩy nhanh thi công các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), bất chấp sai phạm trong sử dụng đất đai, xây dựng, mô hình kinh tế trang trại...
Trang trại của ông Nguyễn Huy Bình (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đầu tư hệ thống ĐMTMN vi phạm các quy định về đất đai và xây dựng
Thi công trên đất nông nghiệp
Khảo sát nhiều trang trại chăn nuôi, trang trại nông nghiệp công nghệ cao kết hợp kinh doanh ĐMTMN trên địa bàn huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), cho thấy phần lớn không có hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đơn cử, tại xã Ea Wer có 12 trang trại kết hợp lắp ĐMTMN, thì 9 trang trại chưa có hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhiều trang trại đăng ký trồng nấm, tuy nhiên, khi tìm hiểu bên trong chỉ treo vài ba túi nấm khô cho có.
Ngoài ra, nhiều công trình ĐMTMN của các đơn vị: Công ty CP Công nghệ Ánh Dương, Công ty TNHH Điện lực Hoàng Minh, Công ty TNHH Phát triển điện Đắk Lắk... được thi công trên đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi. Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Lê Văn Nuôi thừa nhận, địa phương có thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến nhiều trang trại có hệ thống ĐMTMN sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng... UBND huyện đã kiểm tra và báo cáo lãnh đạo tỉnh để xin chỉ đạo hướng khắc phục, xử lý.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có 363 đơn vị đăng ký xây dựng trang trại lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Trong đó, 193 trang trại đã đấu nối với hệ thống điện, số còn lại đã thỏa thuận đấu nối với Công ty Điện lực Đắk Lắk; nhiều trang trại chưa đầy đủ pháp lý. Chẳng hạn, tại huyện Buôn Đôn có 29 trang trại, nhưng 21 trang trại mới có chủ trương của UBND huyện cho chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp khác. Tương tự, tại huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) có 20 trang trại lắp đặt ĐMTMN được đấu nối và thỏa thuận đấu nối, nhưng chỉ có 4 dự án được xác nhận là trang trại, 1 trang trại không đủ tiêu chí, 15 trang trại xây dựng trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tình trạng sai phạm ở các dự án ĐMTMN cũng diễn ra ở Gia Lai. Cụ thể trên địa bàn tỉnh có 3.248 hệ thống ĐMTMN. Vừa qua, đoàn kiểm tra của tỉnh Gia Lai đã kiểm tra 441/3.248 hệ thống ĐMTMN thì phát hiện 427 hệ thống có hồ sơ quản lý chất lượng chưa đảm bảo theo quy định Luật Xây dựng (đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát và đơn vị thi công chưa đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định; chưa có thiết kế và hồ sơ hoàn công phần móng trụ).
Ngoài ra, có 9/431 công trình trang trại nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, cơ quan chức năng còn phát hiện 302/431 công trình chưa triển khai mô hình kinh tế trang trại. Đoàn kiểm tra xác định, một số công trình thiếu hồ sơ, thủ tục xây dựng chưa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, chưa đảm bảo trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, nhưng vẫn được Công ty Điện lực Gia Lai nghiệm thu, đóng điện. 
Rà soát, xử lý vi phạm
Nói về việc các trang trại ĐMTMN vướng nhiều sai phạm nhưng vẫn được đấu nối lên lưới điện, Phó Giám đốc Điện lực Đắk Lắk Hà Văn Chương cho rằng, trách nhiệm quản lý, kiểm tra thuộc về các sở, ngành địa phương. “Công ty có trách nhiệm tính toán lưới điện có giải tỏa được công suất điện mặt trời của khách hàng hay không. Nếu hệ thống lưới điện còn công suất giải tỏa, phía dự án có công trình ĐMTMN thì công ty sẽ thỏa thuận đấu nối. Còn các lĩnh vực đất đai, sản xuất nông nghiệp, chúng tôi không có thẩm quyền kiểm tra”, ông Chương nói.
Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk Lưu Văn Khôi thừa nhận vẫn còn lỗ hổng trong công tác quản lý dẫn đến việc phát triển nóng ĐMTMN trên địa bàn. “Hiện, sở đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiểm tra rà soát và thực hiện phát triển ĐMTMN theo đúng quy định. Trường hợp không đủ điều kiện, hoặc không thực hiện các thủ tục theo quy định sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, ông Khôi cho biết thêm. 
Liên quan đến vấn đề trên, mới đây trong báo cáo gửi Bộ Công thương, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị bộ xem xét, cho phép chủ trang trại, chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái trang trại, công trình đã được đầu tư xây dựng, bán điện trước ngày 31-12-2020 nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí trang trại, được khắc phục trong thời gian tới. Tại Gia Lai, Sở Công thương tỉnh kiến nghị UBND tỉnh giao cho các sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, xử lý các vi phạm liên quan đến các lĩnh vực đất đai, trang trại nông nghiệp, xây dựng, hệ thống ĐMTMN.
Cụ thể, đối với các tồn tại liên quan đến trang trại nông nghiệp, sở kiến nghị UBND tỉnh cho phép chủ công trình trang trại nông nghiệp rà soát, hoàn chỉnh phương án mô hình kinh tế trang trại, đồng thời cam kết triển khai theo đúng tiến độ đăng ký; giao UBND các huyện, thị xã theo dõi, giám sát việc thực hiện triển khai mô hình trang trại đồng thời giao Sở NN-PTNT và các địa phương xử lý nghiêm các vi phạm.
ĐÔNG NGUYÊN - HỮU PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm