Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tết cùng bạn cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dịp Tết Dương lịch, chúng tôi cùng nhau tổ chức ăn Tết, luân phiên mỗi năm ở một tỉnh. Tuy đã thành nếp mà đến hẹn vẫn tươi non cảm giác xôn xao, háo hức được gặp gỡ. 
1. Nhóm bạn cùng thời học sinh THPT của tôi hiện sinh sống ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Xa quê, lấy sự hồn nhiên vô tư tuổi học trò làm nền tảng, càng thân thương, mở rộng cả thành viên trong gia đình nhỏ. Dịp Tết Dương lịch, chúng tôi cùng nhau tổ chức ăn Tết, luân phiên mỗi năm ở một tỉnh.
Tuy đã thành nếp mà đến hẹn vẫn tươi non cảm giác xôn xao, háo hức được gặp gỡ. Cũng lạ, cảm giác ấy vượt qua giới hạn tuổi tác, công việc và cả thân phận để được sống với nguyên sơ tâm hồn những học trò đồng trang lứa tìm về nhau, đuổi bắt kỷ niệm! Phải chăng, chính người xưa của ngày xưa vẫn canh cánh hiện về trên bước đường phiêu bạt để rồi được bừng thức, hồn nhiên một lứa bên trời?
Phải chăng, cuộc mưu sinh nghiệt ngã thật-giả, trắng-đen khó lường mệt nhoài theo mỗi bước chân, dài theo năm tháng giục nhau tìm về với tình bạn trong sáng để cùng ăn, cùng nói cả điều riêng tư thầm kín thuở ấy chưa thành lời? Phải chăng… Bao nhiêu là câu hỏi không cần lời giải đáp, song chúng tôi tin, không chỉ tâm sự, nỗi niềm của riêng ai.
Háo hức từ khâu chuẩn bị. Nhóm bạn “đăng cai” bằng cách nào đó hoặc ngồi lại không dưới một lần để thống nhất ngày giờ, địa điểm, nội dung… đón tiếp bạn, cùng vui chơi với bạn. Nhóm bạn ở tỉnh được mời cũng hẹn nhau ngồi quán cà phê bàn bạc phương án đi: thành phần, số lượng, phương tiện, địa điểm tập kết… Vì lý do nào đó, chưa thống nhất cao lại họp bàn, chuyển địa điểm, có thể là quán nhậu!
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Đến ngày hẹn, từ sáng sớm đã điện thoại cho nhau nhắc, giục. Quãng đường giữa 2 tỉnh không xa mà hành trình mấy lượt hỏi đã đi đến đâu. Còn nhắc nhớ địa điểm tiền trạm cùng nhau ăn sáng, uống cà phê, rồi “triển khai”.
Địa điểm “triển khai”, có thể là nhà riêng một bạn nào đó với điều kiện không làm phiền đến bậc phụ huynh hay con nhỏ. Có thể là một danh thắng địa phương, để vui chơi với nhau đến độ con trẻ tuổi 13, 15 phải tròn mắt, thay đổi cái nhìn về cha mẹ! Kéo dài cuộc vui, lại rủ nhau đi hát karaoke; tách nhóm theo giới tính đi mua sắm hoặc mát xa, xông hơi cũng tùy.
Thế đấy, không háo hức và vui mới lạ!
2. Tôi có nhóm bạn sinh viên cùng thời, học Khoa Tiếng Nga tuy không cùng khóa, hiện đang sống và làm việc ở Phố núi Pleiku. Cùng thời, cái thời chúng tôi trở thành sinh viên qua dự tuyển ở hầu hết các khối A, B, C, D. Bước đầu với việc học tiếng Nga thật khó khăn nhưng ngập tràn tâm thế. Khắp các giảng đường, trung tâm ngoại ngữ đâu đâu cũng nghe luyện phát âm tiếng Nga-tiếng nói của Lênin, tiếng nói của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, tiếng nói của hòa bình và hữu nghị đã thành câu cửa miệng không chỉ riêng sinh viên Khoa Tiếng Nga.
Cùng thời, cái thời đất nước khó khăn, sống ở ký túc xá phải nếm trải bao nhiêu thiếu thốn. Cùng thời, cái thời sinh viên Khoa Tiếng Nga tốt nghiệp ra trường là đồng nghĩa với thất nghiệp. Tìm lối rẽ vào đời, xác lập vị trí trong xã hội của mỗi người là câu chuyện dài kỳ có cả niềm vui, nỗi buồn, may mắn, hy vọng và thất vọng... 
Gặp lại nhau, kết thân ngay từ dạo ấy! Cứ vào dịp 20-11 hàng năm, nhóm cựu sinh viên Khoa Tiếng Nga chúng tôi tổ chức họp mặt, trong câu chuyện hàn huyên có món ngon “gần mũi mà xa miệng” vào những đêm khuya khoắt, dạ dày lép kẹp réo sôi; có áp lực môn thi, kỳ thi; gương mặt thầy cô, bè bạn… Gợi nhắc hoài niệm thời tuổi trẻ ăm ắp khát vọng đứng trên bục giảng và cả chúc mừng người duy nhất còn giữ lấy nghề dạy học là tôi.
Vâng, chỉ là hoài niệm, biết thế, nhưng nhờ đó và từ đó chúng tôi có mặt ở nhiều vị trí, tỏa đi muôn nơi, thân thương nhau như ruột thịt!
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm